Thế hệ card đồ họa mới của NVIDIA dự kiến dựa trên kiến trúc có tên mã Ampere sẽ có hiệu năng Ray Tracing tăng gấp 4 lần so với thế hệ hiện tại.
Thế hệ RTX 20 Series ra mắt với tính năng Ray Tracing – Mô phỏng ánh sáng theo thời gian thực – được lấy làm chủ đạo nhưng có một thực tế rằng khi kích hoạt Ray Tracing thì hiệu năng sẽ bị giảm đi đáng kể, ngay với cả những con quái thú như GEFORCE RTX 2080 Ti.
Nhưng với thế hệ kiến trúc kế tiếp, dự kiến mang tên mã Ampere thì mọi thứ đang được đồn đoán rằng hiệu năng xử lí Ray Tracing sẽ tăng gấp 4 lần. Chưa rõ điều này nhờ vào kiến trúc mới hay việc NVIDIA sẽ nâng số RT Cores – Những vi xử lí chuyên biệt nhằm xử lí các tác vụ như mô phỏng ánh sáng theo thời gian thực – nhưng chúng ta có thể hi vọng rằng nếu như điều này là thực tế thì việc những card đồ họa tầm trung RTX xx60 hoàn toàn có khả năng xử lí Ray Tracing như RTX 2080 Ti hiện tại.
Tin đồn thứ 2 đó chính là việc NVIDIA sẽ loại bỏ hoàn toàn dòng sản phẩm GEFORCE GTX và thay thế bằng GEFORCE RTX, đồng nghĩa với việc xử lí Ray Tracing từ phần cứng sẽ có mặt trên tất cả sản phẩm card đồ họa sử dụng kiến trúc mới!!!
Ray Tracing là kĩ thuật dựng (render) ánh sáng bằng cách truy theo các tia sáng (trace có nghĩa là đuổi theo, ray là các tia sáng). Bạn có thể tưởng tượng kĩ thuật này giống như cách bạn nhìn lên mặt trời, theo dõi các tia sáng của nó chiếu đi đâu, chiếu vào vật thể nào và cách nó đánh sáng lên những vật xung quanh.
Kỹ thuật Ray Tracing dựng lại quy trình đó nhưng trong môi trường số bằng cách tính toán ngược từ camera, tức góc nhìn của người chơi, quay về nguồn sáng. Nói cách khác, Ray Tracing theo dõi các ánh sáng được hấp thụ, phản chiếu, tán xạ và phân tán bởi từng đối tượng trong môi trường, và nó không chỉ áp dụng với một luồng sáng từ mặt trời mà với mọi nguồn sáng khác nhau.
Kỹ thuật này sẽ cho ra hình ảnh đúng với nguyên tắc vật lý và sẽ thật nhất có thể và khi kết hợp với nhiều hiệu ứng hậu kỳ khác, hình ảnh đạt được sẽ gần như không thể phân biệt giữa thực và ảo. Ưu điểm của Ray-tracing khá rõ ràng, nhưng nhược điểm là chiếm dụng tài nguyên rất lớn, và trước đây, không có cách nào để chạy Ray-tracing theo thời gian thực mà luôn phải dựng sẵn (pre-rendered).