Sau khi dùng kiến trúc Zen 3 để đánh bại Intel trên mọi mặt trận thì “người hâm mộ” của đội đỏ đang trông chờ vào kiến trúc Zen 4 để xem nó có thể làm được gì.
Và dưới đây là tổng hợp một số điều đang được đồn đoán về kiến trúc còn chưa ra mắt này của AMD.
AMD sẽ chưa vội tung ra Zen 4, hãy cùng đón chờ Zen 3+ (Zen 3 Plus)
Tin đồn đầu tiên là AMD vẫn còn đủng đỉnh chưa vội ra kiến trúc Zen 4 mà họ sẽ cải tiến Zen 3 để tạo ra Zen 3+ (như cách mà họ đã từng làm với kiến trúc Zen đầu tiên khi tung ra Zen+). Điểm đặc biệt của Zen 3+ đó chính là nó sẽ được sản xuất bằng tiến trình 6nm của TSMC thay vì tiến trình 7nm hiện tại, điều này giúp tăng 18% mật độ transitor, nghe là thấy cải thiện về IPC nhỉ mặc dù là sẽ không có sự thay đổi lớn gì về kiến trúc đâu.
AMD được cho là sẽ “làm mới” kiến trúc Zen 3 trên dây chuyền 6nm của TSMC và đặt tên là Zen 3+, tương tự như cách mà họ đã từng làm với Zen+
Vi xử lí kiến trúc Zen 4 sẽ có tên là AMD Ryzen 7000 Series?
Nếu như tin đồn về Zen 3+ là đúng thì gần như chắc chắn rằng những vi xử lí dựa trên kiến trúc Zen 4 sẽ có tên là Ryzen 7000 Series. Điều này có thể đoán được nhờ vào việc những vi xử lí dựa trên kiến trúc Zen 3 hiện tại đang có tên là Ryzen 5000 Series (cả vi xử lí dành cho desktop lẫn di động) thì Zen 3+ sẽ là Ryzen 6000 Series vậy nên Zen 4 là Ryzen 7000 Series sẽ không quá khó hiểu. AMD đã hệ thống lại tên của sản phẩm một cách “hợp lí hóa” ở kiến trúc Zen 3 khi cho những vi xử lí dành cho desktop dựa trên kiến trúc này bỏ qua cái tên Ryzen 4000 Series để tiến thẳng lên Ryzen 5000 Series.
AMD đã cải thiện sự rối rắm trong cách đặt tên sản phẩm của mình bằng việc bỏ qua 4000 Series ở loạt vi xử lí dành cho desktop dựa trên kiến trúc Zen 3
Còn về thời điểm ra mắt? Rất có thể AMD sẽ giới thiệu Ryzen 6000 Series trong năm nay và Ryzen 7000 Series sẽ ra mắt vào năm sau, 2022.
Kiến trúc có gì thay đổi?
Nếu AMD giữ đúng lời hứa thì việc đầu tiên mà chúng ta có thể biết được về Zen 4 là nó sẽ sản xuất bằng tiến trình 5nm của TSMC, điều này sẽ giúp tăng mật độ transitor cũng như giảm điện năng tiêu thụ, giảm nhiệt độ…
Ngoài ra, nếu Zen 3 đã tăng số Core trong CCX lên gấp đôi so với Zen 2 (từ 4 thành 8) thì chúng ta cũng hoàn toàn tin tưởng việc Zen 4 sẽ kế nhiệm trọng trách này, tăng thêm số Core trong một CCX, giảm độ trễ và biết đâu đấy tăng cả số Core tổng thể của vi xử lí? Liệu rằng sẽ có một vi xử lí phổ thông có tới 32 Core hay không?
Từ Zen 2 lên Zen 3, AMD đã tăng gấp đôi số lượng nhân trong một CCX giúp giảm độ trễ đáng kể và tăng dung lượng cache L3 dùng chung
Ngoài ra, Zen 4 cũng được cho là hỗ trợ kiểu bộ nhớ DDR5, giao thức PCI-Express 5.0 tốc độ cao, USB 4…
Và câu hỏi lớn nhất, liệu rằng AMD vẫn sử dụng kiểu socket BGA hay sẽ chuyển sang dạng LGA, giúp tránh được việc “tháo tung” cả vi xử lí ra ngoài như thế này.