Với tính năng BFB – Base Frequency Boost có trên một số mainboard ASRock, bạn hoàn toàn có thể ép xung CPU Intel non-K một cách dễ dàng!!!
Đã từ rất lâu rồi, ép xung – overclock – là một đặc quyền mà Intel chỉ dành riêng cho mainboard dòng Z và CPU dòng K. CPU dòng K thì sẽ không bị khóa hệ số nhân (Unlocked), kết hợp với mainboard dòng Z có khả năng điều chỉnh hệ số nhân sẽ cho người sử dụng khả năng ép xung hệ thống của mình. Ngược lại, tất cả những CPU dòng non-K sẽ bị khóa hệ số nhân (Locked), có đem kết hợp với mainboard dòng Z cũng không thể ép xung được, vậy nên Intel mới sinh ra loạt chipset H/B.
Nhưng với đội ASRock, họ lại không nghĩ thế. Cho khách hàng một tính năng độc quyền chỉ có trên sản phẩm của ASRock nhằm giúp khách hàng ép xung CPU Intel non-K ngay với cả mainboard non-Z ắt hẳn sẽ là một điểm marketing rất tốt.
Ai nói chỉ có CPU Intel dòng K đi kèm với mainboard dòng Z mới ép xung được? Với tính năng ASRock BFB – Base Frequency Boost – người sử dụng có thể thiết lập mức xung cao hơn hẳn so với mức xung mặc định của CPU non-K!!!
Trên website của mình, ASRock đã tuyên bố như vậy về tính năng ASRock BFB.
Vậy tính năng này hoạt động như thế nào?
Trước tiên chúng ta cần phải hiểu về cơ chế Turbo Boost của CPU Intel hiện nay.
Thường thì CPU Intel sẽ được gọi tên theo định dạng ví dụ như Intel Core i7-10700 2.9GHz@4.8GHz trong đó 2.9GHz là xung base (cơ bản) còn 4.8GHz sẽ là mức xung boost cao nhất. Nhưng có một thông số mà Intel không hề đưa ra cho người sử dụng biết đó chính là mức xung mà CPU sẽ “giữ” được trong thời gian dài vì mức xung 4.8GHz kia chỉ duy trì được trong một khoảng thời gian nhất định.
Như ở biểu đồ bên dưới, mức xung cao nhất là CPU đạt được trong một khoảng thời gian ngắn gọi là PL2 (Power Level 2), và đó chính là thông số 4.8GHz trong tên gọi của CPU Intel Core i7-10700. Sau khi kết thúc PL2, CPU sẽ chuyển sang trạng thái PL1 (Power Level 1) và đây chính là mức xung ổn định của CPU. Để có thể duy trì được mức xung ổn định này thì sẽ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có 2 yếu tố chính là VRM và nhiệt độ. Nếu VRM không đủ tốt, CPU sẽ bị “rớt xung”. Nếu nhiệt độ không đủ tốt, quá cao, CPU cũng sẽ “rớt xung” để tự bảo vệ. Thông số PL2 này có thể xem được thông qua các phần mềm monitor ở mục Power Package.
Đã hiểu rõ rồi thì sẽ quay lại với tính năng BFB. Với mainboard ASRock thì tính năng BFB sẽ “đánh lừa” CPU làm cho CPU nhận được mức Power Package lớn hơn thông thường, mà đã nhận lớn hơn thông thường thì tất nhiên phải chạy ở tốc độ nhanh hơn chứ không thể chỉ tỏa thêm nhiệt ra môi trường một cách vô tích sự.
Theo như ASRock mô tả thì khi kích hoạt BFB, CPU Intel Core i7-10700 có thể giữ được mức xung ổn định ở 3.9GHz thay vì 3.0GHz vì CPU đã bị “đánh lừa” để ăn nhiều điện hơn, tới 125W thay vì 60W. Tất nhiên, để đạt được yêu cầu này thì hệ thống của bạn cũng cần phải có biện pháp tản nhiệt tốt hơn thông thường nhằm duy trì mức xung.