Nếu vẫn còn giữ suy nghĩ đồ họa tích hợp của Intel UHD Graphics chỉ là đồ bỏ, thì với Ice Lake, bạn nên suy nghĩ lại.
Vì tất nhiên rồi, đồ họa tích hợp trên sản phẩm bị Intel trì hoãn liên tục này là Intel Iris mạnh mẽ có tới 64 nhân xử lí, hiển nhiên là trên sản phẩm Intel Core i7 cao cấp nhất.
Mặc dù trên mặt trận desktop, Intel đang bị AMD đấm liên tục không trượt phát nào nhưng ở chiến tuyến di động, đội xanh vẫn đang giữ cho mình vị thế dẫn đầu trong khi AMD vẫn còn đang phải loay hoay với kiến trúc ZEN+ cải tiến chút ít từ ZEN 1 và có vẻ chưa tối ưu cho lắm, ngoài việc có được lợi thế là nhân đồ họa AMD Radeon VEGA tích hợp.
Thử nghiệm thực tế với Razer Blade Stealth 13 vừa được giới thiệu cách đây mấy bữa, MMOSITE cũng đã có biên bài ở đây, trang bị Intel Core i7 1068G7 cùng nhân đồ họa tích hợp khỏe nhất, IRIS PLUS có 64 nhân xử lí, khi so sánh với AMD Ryzen 7 3700U với nhân đồ họa tích hợp AMD Radeon VEGA 10, con hàng RAZER chạy CPU Intel Ice Lake luôn cho kết quả benchmark mạnh hơn đối thủ đến từ đội đỏ, cá biệt, với DOTA 2, i7 1068G7 cho kết quả gần gấp đôi Ryzen 7 3700U.
Nếu thích táy máy nghịch ngợm các phần mềm liên quan đến trí thông minh nhân tạo – AI – như DeepFake, ắt hẳn bạn sẽ quan tâm đến hiệu năng của vi xử lí khi chạy các ứng dụng này, nhân tiện bạn nào còn giữ DeepFake cho mình xin Link nhé. Với AIXPRT, một bộ benchmark được sinh ra nhằm kiểm nghiệm xem hệ thống của bạn xử lí các ứng dụng về trí thông minh nhân tạo nhanh đến đâu thì Core i7 1065G7 áp đảo hoàn toàn so với Ryzen 7 3700U, không cho há mồm ra thở phát nào. Nếu bạn muốn làm những clip thật như DeepFake, mua gì thì cũng đã lựa xong rồi đấy.
Tất nhiên, khác với desktop khi nguồn điện bú từ EVN là vô tận thì với laptop, đặc biệt là Ultrabook, những con hàng sẽ sử dụng loạt CPU mới của Intel này thì điện năng tiêu thụ sẽ luôn bị giới hạn. Ngay cả với i7 1065G7 được nói đến trong bài, có 2 mức TDP mà OEM (Nhà sản xuất laptop) sẽ cấu hình cho sản phẩm của mình, 15W hoặc 25W, và hiệu năng giữa hai mức cấu hình này chênh lệch khá đáng kể, đôi lúc tới gấp rưỡi. Nhưng điều trớ trêu nhất ở đây là có rất ít OEM công bố cấu hình TDP cho sản phẩm của mình, bạn sẽ phải tự mình bơi trong hàng vạn bài review để có thể biết được chi tiết này, đáng buồn thay.
Và điều cuối cùng, tất cả những thông tin trên đây được chính Intel cung cấp, chúng ta phải đợi thêm một khoảng thời gian nữa mới có thể biết được là Intel có xạo chúng ta hay không. Chờ đê.