ROG Falchion là bàn phím dành cho game thủ đầu tiên của ASUS có tính năng kết nối không dây, và nó cũng rất nhỏ gọn nhờ sử dụng layout 65% nữa!!!
Cảm nhận đầu tiên ở lần đầu tiếp xúc? Ơ đây là bàn phím gaming à? Sao nhỏ xíu dễ thương thế? Bạn sẽ phải bất ngờ vì ASUS không sử dụng kích thước to lớn mà lại sử dụng layout 65%, một loại biến thể của layout 60% đem đến cho người dùng một sản phẩm siêu di động. Kể cả game thủ cũng phải cần di động thay vì ngồi trong góc chiến lược tại nhà chứ.
Gọi là layout 65% vì ASUS ROG Falchion đã được bổ sung thêm một hàng nút ở phía cạnh phải của bàn phím. Cách làm này vừa có hại vừa có lợi, có lợi là bạn có thêm nút chức năng, tất nhiên rồi. Tuy nhiên phải tập làm quen lại đôi chút để tránh trường hợp lệch tay, đặc biệt là phím Enter và Backspace khi 2 phím này được/bị dời lệch vào bên trong.
Và có một điểm cần lưu ý trên sản phẩm này đó chính là nếu muốn thay thế keycap thì bạn phải lưu ý kích thước của các phím trên ROG Falchion: Space bar (5.5U), Shift phải (1.5U) và Enter (2U) để tránh trường hợp râu ông nọ cắm cằm bà kia nhé.
Và như tựa đề của bài viết, muốn đáp ứng được tính di động thì phải loại bỏ những thứ không cần thiết và ASUS đã lựa chọn loại bỏ dây kết nối, thay bằng kết nối không dây 2.4GHz. Với cách làm này sẽ giảm được tối đa độ trễ nhưng tuy nhiên cũng vẫn có hạn chế đó chính là không thể kết nối được với những thiết bị mà chỉ có thể dùng Bluetooth để liên lạc.
Điểm đặc biệt tiếp theo của bàn phím này? Đó chính là bộ keycap. ROG Falchion là bàn phím gaming đầu tiên của ASUS được trang bị sẵn bộ keycap bằng chất liệu PBT và legend in trên keycap được hoàn thiện theo kiểu double shot nên bạn yên tâm về thời gian sử dụng, không sợ bị bóng. Chất lượng đấy, +1 cho đội ASUS nhé.
Và để thêm phần chất lượng hơn, ASUS sử dụng loại switch hàng tự trồng của mình có tên là Scrope RX, và điểm đặc biệt của switch này là switch quang học.
Nếu chú ý kĩ hoặc nếu là một người đã sử dụng nhiều bàn phím cơ, có thể dễ dàng nhận ra ASUS đã sử dụng thiết kế floating switch cho sản phẩm của mình. Cách làm này giúp giảm trọng lượng (và tăng tính di động, quá hiển nhiên), LED đẹp hơn vì không vướng bận tấm frame và dễ dàng vệ sinh khi cần thiết, việc cần làm chỉ là tháo hết set keycap thế là xong. Nhưng nhược điểm là gì? Đó là switch dễ bị rung nếu keycap quá cao và ASUS đã khắc phục bằng cách cho keycap thấp hơn tiêu chuẩn một tí. Chăm chút đấy chứ nhỉ.
Và cuối cùng, ROG luôn có giá trị gia tăng. Thứ nhất là hàng phím điều chỉnh âm lượng bằng cách vuốt. Nếu như nhà sản xuất khác họ sẽ gán phím tắt nhưng ASUS không nghĩ thế, trang bị thêm cho người sử dụng thì tốt chứ sao. Và thứ 2, đó là cover giúp bạn “đậy nắp” khi di chuyển và chiếc cover này làm bằng chất liệu nhựa polycarbonate với vân xước tông xuyệt tông.
Với bàn phím ROG Falchion, chúng ta có thể thấy được chiến lược của ASUS có vẻ đang chuyển dịch dần về phía người chơi game di động. Ai ai cũng đã có góc chơi game ở nhà và số lượng lớn người sử dụng đó đã và đang mua sản phẩm ROG. Mặt trận mới chính là di động và ASUS đã đem đến sản phẩm có tính di động cao nhưng không hề thiếu đi những giá trị làm nên tên tuổi ROG: Thiết kế game thủ, tính năng game thủ, giá trị gia tăng cho game thủ và giá cũng game thủ luôn, không hề rẻ nhé.