Nhân tiện lại nói về Intel Core i9-11900K – CPU khủng nhất, mạnh nhất, nhanh nhất và cũng đắt nhất của Intel trong dải sản phẩm CPU Core thế hệ thứ 11 dành cho máy bàn. Đây đang được xem là một sản phẩm được người dùng trông đợi trong thời điểm hiện nay.
Core i9-11900K là điểm kết thúc cho tiến trình 14nm mà Intel đã sử dụng, rồi lại sử dụng, rồi lại tái sử dụng trong vòng 6 năm. CPU này cũng đánh dấu cho việc Intel không tiếp tục dùng kiến trúc Skylake mà chuyển sang dùng một kiến trúc Cypress Cove để cải thiện IPC, hỗ trợ PCI-Express 4.0, AVX512 cũng như resizable BAR và hằng hà sa số nhiều thứ khác nữa.
Cypress Cove dựa trên Sunny Cove – Kiến trúc mà Intel từng sử dụng trên dòng CPU tên mã Ice Lake 10nm. Thế nên Intel đã sử dụng kỹ thuật gọi là backport để có thể áp dụng kiến trúc này lên dây chuyền tiến trình 14nm. Cypress Cove chính là kiến trúc đó và theo như Intel thì kiến trúc này giúp cải thiện IPC 19% so với thế hệ ngay trước đó. Ngoài kiến trúc mới, Intel cũng đem cả GPU Iris Xe lên dòng CPU tên mã Rocket Lake-S của mình. Hiệu năng của GPU này được cho là cao hơn đến 50% so với GPU UHD Graphics cũ.
Chỉ duy nhất một điều đáng tiếc trên Core i9-11900K là hãng đã hạ số nhân xuống còn 8 thay vì 10 như trên Core i9-10900K, chính vì vậy hiệu năng đa nhân của CPU này chắc chắn sẽ không thể đạt được như ý.
Lợi ích của việc nâng cấp từ Z490 lên Z590 là bo mạch chủ có nhiều làn PCI Express hơn (8 làn) và hỗ trợ PCIe 4.0 ngay từ nhà sản xuất. Mặc dù một số bo mạch Z490 được biết là “sẵn sàng cho PCIe 4.0” nhưng phải nâng cấp BIOS và chắc chắn không đem lại hiệu năng tối đa như bộ sản phẩm Z590 và Intel Core i thế hệ 11. Ngoài ra, chipset Z590 mới có kết nối USB tốt hơn, hỗ trợ Gen 3.2 2×2, cũng như có thêm 4 cổng USB Gen 3.2 Gen 2 so với Z490 (10 so với 6 cổng). Cuối cùng, Z590 sẽ hỗ trợ Wi-FI 6E.
Và để đánh giá, chúng tôi đã thử nghiệm cùng hệ thống với đa số các linh kiện đều chung một hãng sản xuất sẽ là một hệ thống mơ ước: Intel Core i9-11900K với linh kiện hoàn toàn từ MSI.
Ngoại trừ bộ nhớ RAM và thiết bị lưu trữ SSD thì có thể gọi đây là một dàn máy MSI. Chúng ta có bo mạch chủ MSI, card đồ họa MSI, tản nhiệt CPU cũng của MSI và bộ nguồn? Hiển nhiên là cũng từ MSI nốt.
- Bo mạch chủ MAG Z590 TOMAHAWK WIFI
- Card đồ họa RX 5700 XT
- Tản nhiệt MSI MAG CORELIQUID 360R
- Bộ nguồn MSI MPG A750GF
Ngoại trừ những thứ như card đồ họa, tản nhiệt hay bộ nguồn thì có thể sử dụng chung cho tất cả các dàn máy thì có thể nói bo mạch chủ sẽ là nền móng để khai triển sức mạnh của toàn bộ hệ thống. MSI MAG Z590 TOMAHAWK WIFI tuy chỉ là dòng sản phẩm tầm trung của MSI (MSI có cách phân cấp sản phẩm khá dễ nhận biết: Cao cấp nhất là MEG, rồi tới MPG và MAG) nhưng TOMAHAWK luôn là cái tên bảo chứng cho sự ngon bổ rẻ của sản phẩm. Bo mạch chủ dòng TOMAHAWK luôn luôn được MSI ưu ái về hệ thống VRM để có thể gánh được những CPU khỏe nhất, nhiều nhân nhất và ngốn điện cũng bậc nhất.
Không nằm ngoài qui luật đó, chúng ta vẫn tìm thấy được hệ thống VRM 7 phase nguồn chỉ cho riêng VCore được điều khiển bởi controller AOZ5312UQI của Alpha & Omega Semiconductor. Theo như phân cấp sản phẩm thì đây là một controller thuộc hạng A nên hoàn toàn yên tâm mà cắm cả CPU Core i9-11900K vào đây. Và nếu vẫn chần chừ do dự thì 7 power phase mã hiệu ISL69269 trị số 60A mỗi phase sẽ triệt tiêu luôn suy nghĩ “Có chạy nổi không đây ta???” của bạn!!!
Thông thường thì mọi người sẽ nghĩ đến việc gì khi cầm trong tay một con CPU mới? Hiệu năng tổng thể? Hiệu năng khi chơi game? Nói tóm lại là hiệu năng của CPU. Nhưng với người viết thì không như thế, khi cầm trên tay Core i9-11900K – chìa khóa kích hoạt giao thức PCI-Express 4.0 dành cho Intel thì điều mà người viết quan tâm nhất đó chính là hiệu năng của SSD PCIe 4.0 trên nền tảng Intel sẽ như thế nào? CPU nhanh thì chúng ta sẽ ít cảm nhận được trong phần lớn thời gian sử dụng nhưng với SSD nhanh thì đó là một câu chuyện hoàn toàn khác đấy.
Nói là làm, phép thử đầu tiên chính là test ngay với SSD Western Digital Black SN850 PCIe Gen4 x4 NVMe M.2, một trong những “con hàng” khủng khiếp nhất thời điểm hiện tại thì kết quả thu được như bên dưới và chỉ đơn giản một câu rằng: Nhanh (gần) gấp đôi PCI-Express 3.0!!!
Còn với hiệu năng của CPU? Liệu rằng lời Intel nói có chính xác? IPC của dòng CPU tên mã Rocket Lake-S sẽ cao hơn tới 19% so với dòng Comet Lake-S ngay trước đó? Thử nghiệm với Cinebench R20 và R23, kết quả cho thấy hiệu năng đơn nhân vượt trội của Core i9-11900K trong những bài test single core. Kiến trúc mới cộng thêm xung boost cao ngất ngưởng 5.3GHz giúp CPU này đánh bại hoàn toàn những đối thủ khác trong những bài test hiệu năng đơn nhân, kể cả những CPU tên mã Tiger Lake với kiến trúc Willow Cove tân tiến dành cho máy tính xách tay. Hiệu năng đơn nhân cỡ này thì Intel hoàn toàn có thể đòi lại được ngôi vương CPU chơi game tốt nhất mà họ đã làm thất lạc cách đây không lâu vào tay đối thủ.
Cinebench R20
Cinebench R23 (single)
Cũng phải nói thêm rằng để khai phá hết hiệu năng của Core i9-11900K chúng ta cũng cần đến cả một bo mạch chủ tốt và một tản nhiệt tốt. Bo mạch chủ tốt sẽ giúp cung cấp nguồn điện sạch và ổn định trong quá trình “stress” hết công lực của CPU và một tản nhiệt tốt sẽ góp phần tản hết lượng nhiệt sinh ra trong quá trình hoạt động, nhiệt càng mát chạy càng nhanh, đó là qui tắc làm việc của Thermal Velocity Boost 1 core. Với dàn máy MSI đã nói từ đầu bài, bo mạch chủ MSI MAG Z590 TOMAHAWK WIFI đã có dàn VRM ngon, điều mà chúng ta cần thêm chỉ là một bộ tản nhiệt tốt thì MSI MAG CORELIQUID 360R với rad tản nhiệt kích thước 360, block hấp thụ nhiệt bằng đồng sẽ dư sức đánh tan cơn nóng của Core i9-11900K
3DMark (only CPU)
3DMark (Full)
Hiệu năng của cả hệ thống sẽ được đánh giá nhanh bằng phần mềm 3DMark với 2 bài test Time Spy và Fire Strike. Với 2 bài test này, CPU Core i9-11900K kết hợp với card đồ họa RADEON RX 5700 XT thể hiện xuất sắc. Tốc độ khung hình luôn được giữ ổn định và mượt mà kể cả trong những phân đoạn nặng nhiều chi tiết, ánh sáng phức tạp. Mặc dù đây không phải là một GPU hàng đỉnh của thời điểm hiện tại nhưng sao nhỉ? Chúng ta đang ở trong một bài test đánh giá hiệu năng của CPU mà, card đồ họa tầm trung sẽ giúp phát huy hết sức mạnh thay vì lấn lướt như khi sử dụng card đồ họa hàng khủng.
Đánh giá hiệu năng gaming
Kết luận
Xứng đáng là một trong những vi xử lý mạnh mẽ nhất trong series Intel Core i. Người dùng sẽ vẫn có được hiệu năng cao trong nhiều như cầu từ công việc đến chơi giải trí. Tích hợp PCIe 4.0, hỗ trợ RAM xung cao sẽ là những điểm cộng sáng giá của Core i9-11900K. Có thể rằng nhiều người vẫn còn đang ngần ngại trước khoảng cách ra mắt giữa các dòng còn hơi ngắn. Tuy nhiên nếu bạn đang muốn tìm một CPU mới nhất, đầy đủ tính năng và công nghệ xịn xò cũng như phù hợp với những chiếc bo mạch chủ tối tân nhất thì Intel Core i9-11900K hoàn toàn phù hợp.
Và thêm một nhận xét nhỏ, có lẽ rằng mọi cấu hình sẽ khác nhau về điểm số. Tuy nhiên với các phép thử bằng linh kiện của MSI đã kể trên thì chúng tôi cũng nhận thấy tính tương thích cao, dễ sử dụng và dễ tuỳ chỉnh. Đó cũng sẽ là một gợi ý về cấu hình cho những ai còn đang băn khoăn và muốn tham khảo.
Cảm ơn MSI Việt Nam đã hỗ trợ bài viết này