GIGABYTE RADEON RX 6800 có tông màu chủ đạo là đen kết hợp cùng những chi tiết màu bạc làm điểm nhấn. Ba quạt làm mát kích thước 80mm sẽ có chiều quay ngược nhau giúp luồng khí làm mát sẽ có áp lực lớn hơn lên khối tản nhiệt bên dưới nhằm “tống” hết khí nóng ra ngoài
Đầu tiên chúng ta cần điểm qua thứ mà AMD gọi là Kiến trúc RDNA2, một sự cải tiến vượt bậc nhằm đi nhanh hơn trên con đường giành lại ngôi vương ở mặt trận đồ họa.
Ở kiến trúc RDNA2, AMD đã cải tiến cụm tính toán (CU – Compute Unit) để có hiệu năng cao hơn trên từng watt điện sử dụng. Ngoài ra, không thể nằm ngoài trào lưu Ray Tracing, AMD cũng đã bổ sung Ray Accelerator trên mỗi CU để xử lí việc mô phỏng ánh sáng tốt hơn, tương tự như cách mà NVIDIA có RT Core trên dòng GEFORCE RTX của mình.
Cuối cùng, đó chính là Infinity Cache giúp cải thiện hiệu năng đáng kể nhờ mở rộng băng thông liên lạc giữa CPU và GPU.
Tất cả những thứ trên được AMD tóm gọn bằng những con số: “Hiệu suất sử dụng điện năng tăng đến 65% và xung nhịp tăng 130% so với thế hệ kiến trúc RDNA.”
Nếu với vi xử lí kiến trúc Zen 3, AMD đã nhồi cache L3 thật lớn thì với RDNA2 thì cache L3 thậm chí còn có dung lượng lớn gấp đôi (128MB so với 64MB của Ryzen 9 5950X) và AMD đặt tên cho nó là Infinity Cache (Bộ nhớ đệm to vô hạn). Nhờ dung lượng cache siêu to như vậy (GA102 xịn nhất của NVIDIA cũng chỉ có 6MB cache L2) nên chỉ cần sử dụng bộ nhớ GDDR6 thay vì GDDR6X độc quyền của NVIDIA (và Micron) mà RDNA2 có băng thông hiệu dụng lên tới 1600GB/s, đã thế điện năng tiêu thụ lại còn giảm được 10%.
Mặc dù vẫn mô phỏng ánh sáng từ phần cứng nhưng cách làm của AMD lại khác NVIDIA. Nếu NVIDIA trang bị nhân RT Core riêng biệt để tính toán và đưa vào shader để xử lí tiếp trước khi render ra hình ảnh thì AMD lại chọn cách tích hợp lên từng CU của GPU. Mỗi Ray Accelerator sẽ có thể tính toán 4 ray/điểm giao khối (box intersections) hoặc 1 ray/điểm giao đa giác (triangle intersection).
Đó là phần việc của AMD. Còn với GIGABYTE, họ đặt mua GPU từ đội đỏ và làm ra những sản phẩm riêng biệt của mình, GIGABYTE RADEON RX 6800 GAMING OC 16G ở bài review dưới đây là một trong những sản phẩm như vậy.
Sử dụng thiết kế WINDFORCE 3X tương tự như những mẫu card đồ họa NVIDIA GEFORCE RTX 30 Series với tông màu chủ đạo là đen kết hợp cùng những chi tiết màu bạc làm điểm nhấn. 3 quạt làm mát kích thước 80mm cho mỗi quạt sẽ có chiều quay ngược nhau, 2 quạt ngoài cùng quay theo chiều kim đồng hồ và quạt nằm giữa sẽ quay ngược chiều kim đồng hồ. Điều này giúp luồng khí làm mát sẽ có áp lực lớn hơn lên khối tản nhiệt bên dưới nhằm “tống” hết khí nóng ra ngoài.
Trên mỗi cánh quạt, GIGABYTE cũng bổ sung thêm các fin 3D cho GIGABYTE RADEON RX 6800. Những cánh cắt gió này ngoài tác dụng trang trí thì còn có tác dụng tăng tốc độ luồng khí và nếu như những hãng khác đang quảng cáo rằng họ dùng động cơ trục bi kép cho quạt làm mát thì GIGABYTE không làm vậy mà sử dụng cách riêng của mình với chất bôi trơn Graphene nano có tuổi thọ gấp 2.1 lần chất bôi trơn bình thường và vẫn đem lại hiệu quả về bền bỉ như động cơ trục bi kép.
Dĩ nhiên, để quạt bền bỉ hơn thì việc hạn chế lúc nào cũng hoạt động là việc cần phải làm. Vậy nên bạn đừng quá ngạc nhiên nếu mà quạt không quay nhé, đó không phải là lỗi đâu mà là tính năng chỉ kích hoạt khi nhiệt độ tới ngưỡng mà thôi.
Còn về khối tản nhiệt bên dưới? 5 heat pipe bằng đồng với lưu chất dẫn nhiệt, tiếp xúc với GPU để nâng cao hiệu quả tản nhiệt và bên cạnh đó, GIGABYTE cũng áp nguyên khối tản nhiệt này lên các vị trí của VRAM để làm mát tốt hơn vì như bạn biết đấy, GDDR6 hoạt động không hề mát mẻ một xíu nào.
Nhưng tại sao GIGABYTE RADEON RX 6800 lại không được mạ nickel cho phần ống đồng nhỉ?
Vẫn tương tự thiết kế WINDFORCE 3X trên dòng GEFORCE RTX 30 Series, chúng ta có thiết kế back plate rất đặc biệt với các vị trí được đục khoét nhằm tối ưu luồng khí.
Kiến trúc AMD RDNA2 hỗ trợ HDMI 2.1 VRR để hỗ trợ thế hệ màn hình mới độ phân giải 8k với tần số quét 60Hz hoặc 4k tần số quét 144Hz. Công nghệ AMD FreeSync vẫn được AMD hỗ trợ tiếp tục ở kiến trúc mới này giúp người chơi cảm nhận game mượt mà cũng như tránh được hiện tượng xé hình.
Thay vì trang bị thêm cả cổng USB Type C như trên phiên bản tham chiếu, GIGABYTE lại chọn cách trang bị 2 cổng HDMI và 2 cổng Display Port quen thuộc hơn với người sử dụng.
Nhìn từ vị trí này, có thể thấy được rằng card đồ họa GIGABYTE RADEON RX 6800 chỉ có độ dày khoảng 2.5 slot nên rất vừa vặn với các thùng máy hiện nay, thậm chí nếu muốn bạn hoàn toàn có thể đưa chúng vào những hệ thống ITX có dung tích nhỏ gọn.
Thậm chí, GIGABYTE còn ủng hộ việc này bằng cách trang bị 2 BIOS cho sản phẩm của mình với 1 BIOS có tên là Quiet Mode, được kích hoạt dễ dàng bằng cách gạt chốt gạt trên card đồ họa và khởi động lại hệ thống.
Cuối cùng, tương tự như bản tham chiếu, GIGABYTE yêu cầu 2 cổng cấp nguồn 8 PIN và một bộ nguồn công suất tối thiểu 650W nếu muốn sử dụng.
Thiết lập hệ thống với cấu hình
- Intel Core i9-9900K@5GHz
- KLEVV CRAS X RGB 8GB 3200MHz x2 Dual channel
- SSD Plextor M9PY
Kết quả thu được như bên dưới
https://infogram.com/gigabyte-radeon-rx-6800-gaming-oc-16g-1h1749vv7dxrq6z?live
Về nhiệt độ hoạt động, nếu như phiên bản tham chiếu của AMD được đánh giá khá tốt về nhiệt độ lẫn độ ồn khi tốc độ quạt tối đa đạt mức 1800rpm và nhiệt độ cao nhất ghi nhận được là 85 độ C (Theo như đánh giá của Techspot) thì thiết bị này làm mọi thứ tốt hơn đôi chút, mặc dù đây chỉ là dòng sản phẩm tầm trung chứ không phải cao cấp như AORUS. Ở nhiệt độ phòng 24 độ C với BIOS mặc định (Overclocking), nhiệt độ cao nhất là 71 độ và với BIOS Silent, nhiệt độ chỉ cao hơn 5 độ C, đạt 76 độ.
Kết luận
Dù rằng có những đối thủ nặng cân như RTX 3080 từ đội xanh, tuy nhiên GIGABYTE RADEON RX 6800 GAMING OC 16G vẫn là lựa chọn sáng giá cho như cầu chơi game trên độ phân giải 4K. Kiến trúc RDNA2 của AMD chắc chắn sẽ trở nên mạnh mẽ hơn trong thời gian sắp tới. Mức giá hiện tại của thiết bị này trên thị trường rơi vào khoảng từ 20 đến dưới 21 triệu đồng, rõ ràng là khá cạnh tranh với mức chi phí bỏ ra và số lượng bộ nhớ nhận về đúng không nào!