Chế độ HDR trên Nintendo Switch 2 là một cải tiến bất ngờ, tích hợp sẵn cho màn hình cầm tay và chế độ Docked. Tuy nhiên, tính năng này lại không tối ưu tốt, khiến trải nghiệm của người dùng trở nên tiêu cực.
Màn hình LCD của Nintendo Switch 2 có đèn viền khi bật khả năng HDR, có thể do màn hình chỉ có độ sáng đỉnh thấp (khoảng 450 nits). Hơn nữa, vì không phải là màn hình OLED nên nó không thể tận dụng độ tương phản vô hạn vốn có của công nghệ HDR, đây luôn là một lợi thế của tính năng này.
Vincent Teoh từ kênh HDTVTest — một trong những kênh YouTube uy tín nhất hiện nay trong lĩnh vực phân tích TV và màn hình. Trong quá trình đánh giá, Teoh đã chỉ ra một số vấn đề liên quan đến chế độ HDR trên mẫu máy Nintendo Switch 2:
Hiệu quả của hiệu chuẩn HDR phụ thuộc rất lớn vào việc TV của người dùng có hỗ trợ HGIG hay ánh xạ tông màu từ nguồn (source-based tone mapping) hay không. Theo Teoh, phần điều chỉnh mẫu thử nghiệm dành cho độ sáng ánh xạ (TML – tonemap luminance) chỉ hoạt động chính xác trên những màn hình có hỗ trợ HGIG.
Quy trình hiệu chỉnh gồm quá nhiều bước nếu so với menu HDR trên các hệ máy khác như PlayStation 5 hay Xbox Series S|X. Ngoài ra, Nintendo cũng không cung cấp chỉ số số cụ thể để hỗ trợ người dùng trong quá trình tinh chỉnh.
Thiết lập “paper white” mặc định trên Nintendo Switch 2 sáng hơn mức trắng tham chiếu 203 nit được khuyến nghị bởi tiêu chuẩn ITU-R BT.2408 — tiêu chuẩn dành cho nội dung HDR10 với độ sáng đỉnh 1000 nit. Điều này khiến hình ảnh trở nên phẳng hơn về mặt cảm nhận, các tông trung bị đẩy lên quá cao, dẫn đến việc giảm dải tương phản động và không còn đủ khoảng sáng cho các vùng highlight rực rỡ, từ đó làm giảm đáng kể ấn tượng thị giác của HDR.
Đáng chú ý, các bước điều chỉnh cho thiết lập “paper white” lại thay đổi tùy theo giá trị max TML đã được đặt trước đó, khiến việc hiệu chỉnh HDR trở nên phức tạp và khó đạt độ chính xác cao.
Ngoài ra, người dùng cũng có thể tinh chỉnh thêm một vài thiết lập. Việc chuyển giao diện của Nintendo Switch 2 sang chế độ nền tối (dark theme) giúp giảm tác động của cơ chế giới hạn độ sáng tự động (ABL – Automatic Brightness Limiter) trên các màn hình OLED, từ đó duy trì độ sáng và độ tương phản ổn định hơn.
Một điểm quan trọng khác là nên đặt đầu ra HDR ở chế độ “chỉ dành cho phần mềm tương thích” (compatible software only), nhằm tránh tình trạng hệ thống ép hiển thị HDR lên cả nội dung SDR, gây sai lệch hình ảnh.
Cuối cùng, tính năng bảo vệ màn hình khỏi lưu ảnh (burn-in protection) đã trở nên dư thừa với các dòng OLED hiện đại và hoàn toàn không cần thiết đối với các màn hình không phải OLED, do đó nên được tắt đi trên Nintendo Switch 2.
Nguồn: wccftech