Mua lại GAM eSports vào tháng 5 năm 2020, NRG.Asia luôn thể hiện khát vọng vươn xa trên đấu trường quốc tế, làm nên lịch sử cho eSports Việt Nam.
Trước khi trở thành CEO của GAM eSports, TK Nguyễn là một doanh nhân trong lĩnh vực giải trí. Năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, TK lần đầu bén duyên với thể thao điện tử và GAM eSports chính là bến đỗ đầu tiên.
Trong một video mới đăng tải của GAM eSports, TK Nguyễn đã chia sẻ lý do tại sao NRG quyết định đầu tư và phát triển eSports tại Việt Nam. Những câu chuyện về thể thao luôn truyền cảm hứng rất lớn cho khán giả, trong thời đại mới eSports sẽ trở thành môn thể thao của tương lai. Sứ mệnh của NGR là đưa eSports Việt Nam vươn xa, làm rạng danh mảnh đất hình chữ S trên đấu trường thế giới. Nhận thấy tiềm năng ở thị trường Việt Nam với nhiều đội tuyển mạnh, có thành tích nhưng chưa nhận được đầu tư đúng đắn, NRG.Asia đã tiến hành thương vụ thu mua lại GAM eSports để bắt đầu xây dựng tương lai cho nền Esport Việt Nam.
Định hướng của NRG.Asia là trở thành công ty thể thao điện tử và giải trí, đem lại nhiều nội dung sáng tạo liên quan đến eSports, phục vụ nhiều đối tượng khán giả đa dạng, chứ không chỉ bó buộc trong khuôn khổ các giải đấu. Ở Việt Nam, GAM eSport là đội tuyển đã để lại nhiều dấu ấn tại các giải đấu lớn như MSI hay Chung kết Thế giới (CKTG), có những câu chuyện ấn tượng, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ. Từ đó, NRG.Asia mong muốn đầu tư để hỗ trợ GAM phát triển mạnh mẽ và toàn diện hơn với tham vọng trở thành đội tuyển Việt Nam đầu tiên vô địch CKTG.
TK cho biết: “Quyết định đầu tư vào GAM eSports sẽ giúp NRG.Asia không phải bắt đầu từ con số 0, mà GAM đã ở khoảng số 9 rồi và sự hỗ trợ của NRG.Asia có thể giúp GAM đạt đến số 10 hay thậm chí tiến xa hơn nữa.”. Tuy quá trình này cần có thời gian để thực hiện nhưng GAM sẽ là bước đầu giúp eSports Việt Nam được công nhận và ủng hộ tích cực hơn. Đề cập đến thị trường thể thao điện tử nước ta, phần lớn người Việt vẫn chưa nhận định eSports là một môn thể thao chính thống hay các tuyển thủ Esport là những vận động viên chuyên nghiệp. Vì vậy, nhiệm vụ quan trọng đầu tiên là mọi người phải cùng nhau xây dựng cộng đồng, tạo nên những câu chuyện xoay quanh thể thao điện tử để giúp eSports lan tỏa năng lượng và hình ảnh tích cực hơn, thay đổi những định kiến của xã hội về ngành nghề này. “Nếu bạn nhìn vào Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ hay Châu Âu, bạn sẽ thấy eSports là tương lai và chúng ta đã có rất nhiều minh chứng thành công trên thế giới.”, TK chia sẻ.
Dù bỏ lỡ Chung kết Thế giới và giải VCS mùa hè, đối mặt với nhiều bình luận tiêu cực trên mạng xã hội, TK Nguyễn vẫn tự tin vào GAM trong giải VCS Mùa đông sắp tới. ESports Việt Nam có thể tận dụng thời điểm này để tạo dựng một cộng đồng vững mạnh, thúc đẩy các đội tuyển cùng nhau phát triển và chuẩn bị kỹ càng hơn cho những giải đấu lớn trong thời gian tới.
Vào năm 2022 tới đây, TK cho biết vô cùng hào hứng khi eSports sẽ xuất hiện không chỉ tại các giải đấu thể thao điện tử, mà còn có thế vận hội SEA Games, Asian Games và sau đó là Olympic Paris năm 2024. Việc được Olympic ghi nhận cũng góp phần khẳng định eSports chính là xu hướng tương lai mà cả thế giới đang theo đuổi và Việt Nam chắc chắn sẽ đi theo xu hướng đó. Dự định của NRG.Asia trong những năm tiếp theo là tìm kiếm và đầu tư cho nhiều đội tuyển chuyên nghiệp, phát triển các tựa game di động phù hợp với thị hiếu của thị trường Đông Nam Á. Đồng thời, NRG.Asia có tầm nhìn tạo ra một công ty giải trí, cung cấp nội dung sáng tạo và những công việc mới như bình luận viên, quản lý, streamer hay đào tạo tuyển thủ, để thế hệ trẻ có thể phát huy tiềm lực của mình, đạt đến thành công trong lĩnh vực eSports – tương lai của thế giới.