MMOSITE.vn – Trong phiên bản 6.3, các vị tướng không có quá nhiều sự thay đổi lớn, thay vào đó là các chỉnh sửa sao cho cân bằng lượng sát thương cũng như mặt lối chơi. Tuy nhiên, sự xuất hiện của 1 trang bị mới đã khiến cho khu vực đường giữa xoay chuyển dữ dội, sự xuất hiện của Dạ Kiếm.
Dạ Kiếm – Trang bị không thể thiếu cho sát thủ
Khoảng thời gian qua thực sự khó khăn với các tướng đường giữa, đặc biệt là các sát thủ. Họ gần như mất đi chỗ đứng của mình từ các trận đấu xếp hạng đơn cho tới các giải đấu chuyên nghiệp. 2 sát thủ thường thấy là Leblanc, Zed thì cũng thỉnh thoảng, Fizz thì chỉ có duy mỗi Westdoor là tự tin, còn Talon thì luôn tàng hình trên bảng Cấm và Chọn. Số lượng các sát thủ đã ít, người chơi có kỹ năng lại càng ít hơn nữa, muốn phát huy hiệu quả của họ, quả thực quá khó.
Nói đi cũng phải nói lại, các sát thủ không phải yếu, họ thực sự rất mạnh là đằng khác. Nếu không may rơi vào tay các người chơi “pro”, họ sẽ cho bạn biết thế nào là ác mộng. Chỉ cần tăng hay giảm sức mạnh của họ một chút thôi, cả trò chơi sẽ bị mất cân bằng nghiêm trọng, và đó là vấn đề phải cân nhắc vô cùng cẩn thận. Dẫn đến, thay vì sửa đổi các vị tướng, Riot Games quyết định ra mắt một trang bị mới, dành riêng cho các sát thủ.
Dạ Kiếm là một trang bị dành riêng cho các sát thủ chủ yếu gây ra sát thương vật lí là chính, ví dụ điển hình đó là Kha’Zix, Talon và Zed. Nếu các pháp sư có Vọng Âm của Luden, thì các sát thủ này có Dạ Kiếm. Nếu Vọng Âm Luden kích hoạt bằng việc gây sát thương bằng kỹ năng, thì Dạ Kiếm được kích hoạt bằng đòn đánh thường. Điểm chung của 2 trang bị này đều cho người dùng một lượng tốc độ di chuyển, khá dễ hiểu phải không?
Ok, đó là tác dụng của Dạ Kiếm, nhưng lý do gì nó là trang bị của các sát thủ? Và tại sao nó lại giúp các sát thủ quay trở lại mạnh mẽ hơn trên đấu trường công lí? Trước tiên, với việc Cung Xanh bị giảm sức mạnh thê thảm trong phiên bản mới, Dạ Kiếm sẽ là một trang bị tuyệt vời, bù đắp chỉ số xuyên giáp cho các sát thủ. Bên cạnh đó, chỉ số sát thương vật lí và tốc độ di chuyển cộng thêm tập trung giúp các sát thủ hạ sát mục tiêu cực tốt.
Vậy các xạ thủ thì sao? Họ cũng gây ra sát thương vật lí mà (trừ Teemo nhé). Cũng được thôi, có sát thương vật lí, có xuyên giáp, có tốc độ di chuyển cùng một chút sát thương từ Màn Đêm Buông Xuống. Nhưng nếu nói vậy, thì cứ tướng sát thương vật lí nào lên cũng được à? Không, đây không phải trang bị cho xạ thủ. Xạ thủ có điểm mạnh duy nhất là tầm đánh dài, nên nhớ là vậy. Và để phát huy hiệu quả của điểm mạnh đó, họ cần phải gây sát thương liên tục từ các đòn đánh thường.
Draven là một xạ thủ hiếm hoi có thể sử dụng Dạ Kiếm hiệu quả.
- Xét trên mặt thực tế, xạ thủ bắn phát đầu tiên đã kích hoạt Màn Đêm Buông Xuống rồi, và lượng máu mất đi sau 2 giây không quá lớn, dẫn đến sát thương cực thấp.
- Xét trên mặt kinh tế, một trang bị xạ thủ thông thường như Vô Cực Kiếm, Huyết Kiếm, Lưỡi Hái Linh Hồn đều có giá 3600 trở lên, còn Dạ Kiếm chỉ 3250 mà thôi.
- Xét về mặt thực dụng, các trang bị kia đều hỗ trợ điểm mạnh của xạ thủ, tức các đòn đánh thường, còn Dạ Kiếm, bắn 1 phát là hết, quá vô dụng trong giao tranh.
Sức mạnh thực sự mang lại
Sẽ có người cho rằng, các sát thủ vốn dĩ đã quá mạnh rồi, nhiệm vụ của họ là ám sát mục tiêu tuyến sau của đối phương, tức các xạ thủ và pháp sư, thì việc gì phải có thêm trang bị này nữa? Vậy để tôi nói cho bạn biết, Dạ Kiếm không phải trang bị dùng để hạ gục các mục tiêu đó.
Nhiệm vụ của 1 sát thủ đó là dọn dẹp giao tranh, chứ không phải lao vào trước tiên xả hết kỹ năng và sau đó gõ Enter:“Tôi đã làm hết mọi thứ có thể rồi”. Dạ Kiếm là một trang bị tuyệt vời, giúp các sát thủ có thể vào sau cùng và làm nốt những gì mà đồng đội để lại, với hiệu ứng Màn Đêm Buông Xuống sẽ gây ra 90 sát thương vật lí + 25% máu đã mất của mục tiêu.
Như đã nói, vốn dĩ một sát thủ đã có thừa khả năng để kết liễu các mục tiêu mỏng manh rồi, do đó, Dạ Kiếm sẽ giúp các sát thủ hạ gục tiếp các mục tiêu to hơn, những kẻ “trâu bò” lên toàn các trang bị phòng thủ. Nhiều khi, trong giao tranh, bạn chỉ cần “gãi” nhẹ tướng đỡ đòn của đối phương 1 phát để kích hoạt Màn Đêm Buông Xuống, sau đó tập trung tiếp sát thương vào những kẻ đằng sau là đủ.
Tính sơ sơ, một tướng đỡ đòn có 4000 máu, khi chúng còn một nửa lọ máu, tức 2000, sát thương mà Dạ Kiếm gây ra lên tới 600 chỉ với nội tại Màn Đêm Buông Xuống.
Những hạn chế “khó chịu”
Giá tiền
Với giá tiền 3250, việc tích tiền để lên được nó quả thực vô cùng gian nan. Thành phần của nó gồm 1 Kiếm B.F 1300 và Dao Hung Tàn 1100. Các sát thủ cần lên các trang bị nhỏ, để tích từng sát thương một, sau đó hạ gục đối phương để tiếp tục gia tăng sức mạnh. Do đó, việc tích 1300 ở giai đoạn đầu trận đối với các sát thủ không phải đơn giản, mà nó thậm chí còn làm cho họ bị tụt lại phía sau so với đối phương. Vì vậy, trừ khi bạn quá xanh, hãy cân nhắc việc lên Dạ Kiếm đầu tiên.
Một so sánh nhỏ với trang bị khác, đó là Kiếm Ma Youmuu, trang bị gần như phải có cho sát thủ.
Dạ Kiếm | Kiếm Ma Youmuu |
3250 | 3200 |
75 sát thương vật lí | 65 sát thương vật lí |
10 xuyên giáp | 20 xuyên giáp |
Và một vài các chỉ số khác, nhưng nhìn chung, 2 trang bị này khá tương đồng. Tuy nhiên, Youmuu lên được từ các thành phần nhỏ như 4 cái Kiếm Dài với giá 350, vì vậy không khó hiểu khi nó được lên đầu tiên.
Các trang bị khắc chế
Bạn thứ nghĩ xem, hiệu ứng Màn Đêm Buông Xuống giống một kỹ năng gì? Đúng vậy, nó khá giống với Dấu Ấn Tử Thần của Zed. Sau 2 giây, Màn Đêm Buông Xuống sẽ gây sát thương lên đối phương. Và tất nhiên, các trang bị để khắc chế nó cũng tương tự vậy.
Cho các pháp sư | Cho các xạ thủ |
Các trang bị khi đối đầu với sát thủ.
Khi trong trạng thái “Tô Tượng” của Đồng Hồ Cát, họ sẽ miễn nhiễm sát thương từ mọi thứ, kể cả từ Màn Đêm Buông Xuống, còn Giải Thuật sẽ xóa bỏ hiệu ứng đó hoàn toàn.
Kết
Nói tóm lại, Dạ Kiếm dành cho ai? Sát thủ sát thương vật lí như Zed, Talon, “lưỡng thể” như Akali, và 2 xạ thủ đó là Draven, Graves… Nên mua khi nào? Bắt đầu từ trang bị thứ 2, 3, sau khi có 1 vài trang bị tăng các chỉ số quan trọng như hồi chiêu, sát thương, tốc độ di chuyển… Hãy nhớ, Dạ Kiếm cực mạnh, nhưng chỉ phát huy hiệu quả khi sử dụng hợp lý.