TUF GAMING Z590-PLUS WIFI là một bo mạch chủ sử dụng CPU chipset Intel Z590 (Rocket Lake) dành cho phân khúc game thủ tầm trung của ASUS.
Có một điểm đáng chú ý trên những bo mạch chipset Intel Z590 lần này đó chính là chúng đều được nâng cấp về VRM mặc dù loạt vi xử lí Core thế hệ 11 dành cho desktop chỉ có tối đa 8 nhân xử lí thay vì 10 nhân xử lí như thế hệ thứ 10, lạ nhỉ?
Quay lại nhân vật chính, bo mạch chủ TUF GAMING Z590-PLUS WIFI cũng nhận được một “phiên bản nâng cấp” về VRM so với người đàn anh cùng phân cấp ra mắt trước đó – TUF GAMING Z490-PLUS WIFI.
Tháo tung tản nhiệt VRM của ASUS TUF GAMING Z590-PLUS WIFI thì chúng ta có được như thế này
Nếu như ở TUF GAMING Z490-PLUS WIFI, mạch VRM sử dụng controller ASP1900B có 6 kênh để điều khiển tổng cộng 12 phase cho VCore thì ở thế hệ Z590 này, ASUS hào phóng hơn một chút, nâng thêm 2 phase nữa cho VCore và điều khiển bằng controller ASP1900B có 7 kênh. Giờ đây mạch VRM của bo mạch chủ này sẽ có tổng cộng 14+2 phase (14 phase cho VCore và 2 phase cho SOC), mỗi phase là SiC639 có trị số 50A.
“Xếp hàng” ngay ngắn để cung cấp dòng điện Xanh – Sạch – Khỏe cho vi xử lí Core thế hệ 11
Một hệ thống VRM khỏe phải cần đến một hệ thống tản nhiệt VRM tốt. Hai khối nhôm màu đen với các đường cắt rãnh sẽ làm nhiệm vụ này. Tất nhiên giải pháp tản nhiệt bằng nhôm khối sẽ không thể hiệu quả bằng hệ thống nhôm lá nhưng chúng ta nên lưu ý rằng TUF GAMING vẫn chỉ là dòng sản phẩm tầm trung của ASUS, những thứ cao cấp hơn bạn có thể tìm thấy trên dòng ROG – Republic of Gamers đắt tiền hơn.
Nhìn thermal pad có thể thấy được tất cả mosfet – thứ sản sinh nhiệt độ nhiều nhất – đều được tiếp xúc đầy đủ, đó mới là điều quan trọng của một hệ thống tản nhiệt tốt
Một điểm mới của chipset Z590 đó chính là hỗ trợ giao thức PCI-Express 4.0 tốc độ cao và trên bo mạch chủ trong bài viết, PCI-Express 4.0 có thể được tìm thấy tại khe 16x dành cho card đồ họa và 1 trong 3 khe M.2 dành cho lưu trữ SSD. Lưu ý, slot M.2 giao thức PCI-Express 4.0 chỉ hoạt động khi và chỉ khi kết hợp cùng vi xử lí Core thế hệ 11 sẽ bán ra chính thức vào tháng 3 tới đây.
ASUS đã ghi chú rất rõ cho khe M.2 giao thức PCI-Express 4.0 dành cho lưu trữ SSD. Khe PCI-Express 16x nằm ngay bên dưới cũng sẽ hoạt động ở giao thức này.
Đó chính là những điểm nâng cấp rất đáng giá trên TUF GAMING Z590-PLUS WIFI biến bo mạch chủ này thành một lựa chọn đáng giá khi bạn muốn trải nghiệm vòng đời cuối cùng của tiến trình 14nm thần thánh từ Intel.
Còn lại thì có gì? Vẫn còn đó DNA của TUF GAMING với thiết kế quân sự, bo mạch cắt xẻ tạo điểm nhấn thay vì hình chữ nhận thông thường, cổng SATA thiết kế và vị trí củ chuối…
Ngoài ra, nếu chú ý I/O của bo mạch chủ này thì chúng ta cũng thấy được thêm một sự nâng cấp nho nhỏ đó chính là cổng USB Type C giao thức USB 3.2 Gen 2×2 băng thông tới 20Gbps. Tuy nó không nhanh được như Thunderbolt nhưng ít nhất đã nhanh hơn gấp đôi so với những kết nối USB 3.2 Gen 2 khác. Bên cạnh đó vẫn là những kết nối cơ bản khác cùng kết nối mạng WIFI 6 kết hợp với LAN 2.5Gbps cho những ai yêu thích truyền tải dữ liệu tốc độ cao trong mạng nội bộ.
Như vậy, với không nhiều lắm những nâng cấp nhưng chỗ nào có nâng cấp đều chất, bo mạch chủ TUF GAMING Z590-PLUS WIFI sẽ là một sự lựa chọn đáng để tâm cho những ai thích thương hiệu ASUS, sẽ mua hoặc sẽ nâng cấp lên thế hệ Core 11 và có một túi tiền không rủng rỉnh lắm để có thể lựa mua dòng sản phẩm ROG danh tiếng.