ASUS ProArt PA328CGV là một chiếc màn hình hội tụ đầy đủ các tính năng cao cấp dành cho người làm nội dung chuyên nghiệp có thể tự do sáng tao nhưng không phải chi ra một mức giá quá cao.
ASUS ProArt là phân khúc các thiết bị dành cho những nhà sáng tạo chuyên nghiệp với hầu hết các tính năng cao cấp nhất tại thời điểm mà sản phẩm này ra mắt. Ở thời điểm 2-3 năm trước, mẫu màn hình ProArt PA32UC từng là đỉnh cao trong thông số cấu hình cũng như về mức giá lên đến khoảng hơn 40 triệu đồng. Tuy nhiên, sau đó thì ASUS cũng đã mang đên nhiều tùy chọn dễ chịu hơn, điển hình là chiếc màn hình trong bài viết này với tên mã ASUS ProArt PA328CGV vừa ra mắt tháng 10/2021 và đã được bán trên thị trường với mức giá khoảng 18-19 triệu đồng.
Đầu tiên, về thông số của sản phẩm này, ASUS ProArt PA328CGV là một màn hình kích thước 32.8″ với độ phân giải WQHD (2560 x 1440), tấm nền IPS HDR, tần số quét 165Hz. Đây là các thông số cơ bản và chắc chắn sẽ có được sự hài lòng từ những người dùng cao cấp vốn có nhu cầu công việc đòi hỏi không gian làm việc rộng, tấm nền với màu sắc ổn định và sự mượt mà của tần số quét.
Tuy nhiên với những người khó tính hơn với nhu cầu thiết kế hình ảnh, nhiếp ảnh gia hay các chuyên viên đồ họa thì PA328CGV cũng có các chỉ số về màu sắc đáng kể như sau: 100% độ bao phủ dải Rec. 709 , 95% DCI-P3 và 100% sRGB, Delta-E < 2 có hỗ trợ HDR, chứng nhận Calman.
Và bây giờ, hãy cùng đi sâu vào chi tiết của màn hình này. Vẫn giữ nguyên phong cách thiết kế quen thuộc của dòng ProArt, PA328CGV cũng được thiết kế mặc định với đế bằng kim loại. Trong lượng của phần đế này khá nặng để có thể giữ được màn hình vững vàng dưới mọi tư thế. Điểm khác biệt dễ thấy là ASUS đã chọn sơn màu đen trùng với toàn bộ thiết kế thay vì dùng tông màu sáng như ở các dòng màn hình ProArt trước đây. Phần thiết kế thước đo trên chân đế này cũng được loại bỏ tại phiên bản này.
Tiếp theo đến chân trụ, ASUS cũng trang bị một khe nhỏ để bạn có thể luồn dây vào và cất gọn ở phía sau. Một điểm mới là nếu như bạn không thích dùng chân đế như thiết kế thông thường thì ASUS cũng cung cấp một chân kẹp vào bàn làm việc (Desk C Clamp) để không gian mặt bàn của bạn được gọn gàng hơn. Việc sử dụng chân kẹp này sẽ tạo cảm giác dường như màn hình đang lơ lửng trên bàn khiến cho trải nghiệm sử dụng thú vị hơn. Như hình dưới đây thì bạn có thể thấy được rằng phần cạnh dưới màn hình đã được chúng tôi dùng một chiếc loa che lại, diện tích sử dụng bàn cũng sẽ nhiều hơn vì màn hình của bạn sẽ nằm sát vào cạnh bàn trước mặt.
Tiếp theo, tính linh hoạt của màn hình này là một điều đáng nói dù rằng ASUS vẫn giữ nguyên việc này trong nhiều phiên bản. Tuy nhiên đó sẽ là một yếu tố cho người dùng có thêm sự lựa chọn. Bạn có thể xoay đứng màn hình 90 độ, xoayhai bên 30 độ và lên xuống từ -5 đến 23 độ. Ngoài ra thì độ cao cũng có thể gia giảm từ 0 đến 13cm khi sử dụng.
Hệ thống cổng kết nối của ProArt PA328CGV cũng được trang bị khá nhiều lựa chọn cho người dùng như: DisplayPort 1.4, 2 cổng HDMI 2.0, 4 cổng USB 3.1, 1 cổng audio cho tai nghe và đặc biệt là một cổng USB-C có công suất 90W và tích hợp Display Port để bạn có thể sử dụng trên các máy Macbook với hai công năng cùng một lúc là vừa xuất hình ảnh vừa sạc khi sử dụng hay thậm chí là truyền tải dữ liệu.
Tuy nhiên, cổng C này là được tích hợp Display Port chứ không hỗ trợ Thunderbolt 3 như các dòng ProArt cao cấp hơn. ASUS cũng khá chu đáo khi cung cấp đủ cho người dùng mọi loại dây cáp tín hiệu của các cổng trên từ đây USB, HDMI, Display Port đến cả dây USB-C.
Về phần điều khiển, vẫn là cụm 6 nút cùng D-pad quen thuộc nhưng lần này thì ASUS mang hẳn ra cả phía trước ngay cạnh viền. Tại đây bạn cũng sẽ tìm thấy menu OSD với khá nhiều Preset mà hãng đã cài đặt sẵn gồm: sRGB, Rec.709, DCI-P3, Reading, HDR và Rapid Rendering.
Để kiểm chứng thông số ban đầu mà nhà sản xuất đưa ra, chúng tôi đã sử dụng thiết bị SypderX Pro ơ chế độ Standard. Kết quả cho thấy độ phủ màu của màn hình này có những chỉ số như sau: 100% sRGB và 95% DCI P3, hoàn toàn giống với thông tin ban đầu. Hai chỉ số này là những yếu tố cơ bản nhưng cũng đóng vai trò quan trọng trong nhu cầu bình thường hàng ngày như xem phim giải trí đơn thuần. Tuy nhiên, một điểm trừ nhẹ ở đây chính là dải màu Adobe RGB chỉ đạt 86%, thấp hơn so với các phiên bản trước đây nhưng cũng rẻ hơn đến một nửa giá tiền.
Với thông số trên, chúng tôi nhận định rằng màn hình này thích hợp cho những người làm edit video bởi dải màu DCI P3 cũng đã đạt 95% độ chuẩn màu để có những sản phẩm phim ảnh đẹp mắt. Bên cạnh đó, 100% sRGB cũng phù hợp với những người làm digital design. Còn nếu bạn đang làm chuyên về in ấn, hãy chọn những màn hình có độ phủ màu Adobe RGB cao, những cũng nên nhớ rằng những màn hình đó có giá không hề rẻ.
ASUS cho biết hãng đã cân chỉnh để Delta-E của mỗi chiếc ProArt PA328CGV khi xuất xưởng đều dưới 2. Giá trị trung bình sau các bài test của chúng tôi ghi nhận cho thông số Delta-E của màn hình này là khoảng 1.5. Tiếp đến, thang gamma 2.2 của màn hình này cho một biểu đồ rất đẹp, đường màu đen của phép thử gần như hoàn toàn với đường xanh dương (đại diện cho gamma 2.2 lý tưởng). Nếu chỉ số gamma 2.2 tốt thì việc xử lý hình ảnh, biên tập video sẽ càng dễ dàng hơn cho người dùng bởi đây là chỉ số phản ánh việc tái tạo tone màu chính xác.
Về độ sáng, black level, tương phản và white point, ProArt PA328CGV đạt độ sáng tối đa là 373 nit khi màn hình được chỉnh 100%. Các mức còn lại lần lượt al2 299 nit, 222 nit, 142 nit và 60 nit cho các độ sáng từ 75% về 0%. Sử dụng trong điều kiện phòng làm việc không mở đèn thì người viết thường chỉ để ở mức 25-50% là đủ để cảm thấy thoải mái rồi. Về black level, đơn vị thể hiện sự tái tạo màu đen, càng về gần 0 thì sẽ càng tốt thì ở 3 mốc căn bản là 0%, 50% và 100% thì màn hình này có chỉ số black level lần lượt là 0.14, 034 và 0.54. Chưa thật sự là màu đen tuyệt đối nhưng cũng đã rất tốt.
Thử nghiệm HDR trên màn hình ProArt PA328CGV cho một trải nghiệm khá tốt, tuy nhiên thì bạn cũng không nên sử dụng trong các nhu cầu hàng ngày bởi vì các màu sắc sẽ được đẩy lên khá cao. Như ở hình minh họa thì chúng tôi đang xem một video HDR và những vùng tối được tối ưu khá tốt, giúp người xem nhận diện được chủ thể một cách rõ ràng.
Về nhu cầu gaming, tuy rằng chỉ trải nghiệm ít vì muốn bài viết này thiên về đánh giá màu sắc nhưng tần số quét 165Hz cùng công nghệ FreeSync Premium Pro của AMD đã góp phần tăng trải nghiệm game mượt mà hơn. Đây cũng là một cải tiến vừa được nâng cấp so với các dòng Pro Art trước đây của ASUS.
Cuối cùng, một trải nghiệm khá thú vị mà chúng tôi muốn chia sẻ chính là tính năng PIP (Picture in Picture), với tính năng này thì bạn sẽ dễ dàng kết nối một máy tính, laptop thứ hai vào màn hình ProArt PA328CGV mà không cần phải chọn qua lại giữa hai cổng tín hiệu. Tuy rằng điều này chưa thực sự hoàn hảo bởi một màn hình nhỏ sẽ che đè lên trên màn hình còn lại nhưng chắc chắn sẽ tạo một cảm giác sử dụng máy hoàn toàn mới lạ. Đặc biệt là với những người muốn sử dụng MacOS và Windows trên cùng một màn hình
Kết luận
ASUS ProArt PA328CGV là một chiếc màn hình mang phong cách dành cho những người làm thiết kế chuyên nghiệp nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu hỗn hợp như gaming và giải trí. Với mức giá gần 18 triệu đồng thì người dùng sẽ dễ dàng tiếp cận hơn những phiên bản cao cấp trước đây. Thông số, tính năng của màn hình này có thể xem là tương xứng với giá tiền người dùng phải bỏ ra. Vì vậy, nếu bạn đang tìm kiếm một chiếc màn hình có kích thước to, đa dụng cho nhiều nhu cầu thì không nên bỏ qua ASUS ProArt PA328CGV nhé.