GPU tên mã Navi 21 trên GIGABYTE AORUS RX 6800 XT Master có xung nhịp 2,045 ở chế độ Gaming Mode và có thể đạt tới mức 2,310MHz ở boost mode.
Còn về GPU tên mã Navi 21 này, nếu bạn đã quên hay chưa biết, tôi xin được trích dẫn một đoạn từ bài review chiếc card đồ họa Radeon RX 6800 GAMING OC 16G cũng của GIGABYTE.
ĐÁNH GIÁ GIGABYTE RADEON RX 6800 GAMING OC 16G
Đầu tiên chúng ta cần điểm qua thứ mà AMD gọi là Kiến trúc RDNA2, một sự cải tiến vượt bậc nhằm đi nhanh hơn trên con đường giành lại ngôi vương ở mặt trận đồ họa.
Ở kiến trúc RDNA2, AMD đã cải tiến cụm tính toán (CU – Compute Unit) để có hiệu năng cao hơn trên từng watt điện sử dụng. Ngoài ra, không thể nằm ngoài trào lưu Ray Tracing, AMD cũng đã bổ sung Ray Accelerator trên mỗi CU để xử lí việc mô phỏng ánh sáng tốt hơn, tương tự như cách mà NVIDIA có RT Core trên dòng GEFORCE RTX của mình.
Cuối cùng, đó chính là Infinity Cache giúp cải thiện hiệu năng đáng kể nhờ mở rộng băng thông liên lạc giữa CPU và GPU.
Tất cả những thứ trên được AMD tóm gọn bằng những con số: “Hiệu suất sử dụng điện năng tăng đến 65% và xung nhịp tăng 130% so với thế hệ kiến trúc RDNA.”
Nếu với vi xử lí kiến trúc Zen 3, AMD đã nhồi cache L3 thật lớn thì với RDNA2 thì cache L3 thậm chí còn có dung lượng lớn gấp đôi (128MB so với 64MB của Ryzen 9 5950X) và AMD đặt tên cho nó là Infinity Cache (Bộ nhớ đệm to vô hạn). Nhờ dung lượng cache siêu to như vậy (GA102 xịn nhất của NVIDIA cũng chỉ có 6MB cache L2) nên chỉ cần sử dụng bộ nhớ GDDR6 thay vì GDDR6X độc quyền của NVIDIA (và Micron) mà RDNA2 có băng thông hiệu dụng lên tới 1600GB/s, đã thế điện năng tiêu thụ lại còn giảm được 10%.
Mặc dù vẫn mô phỏng ánh sáng từ phần cứng nhưng cách làm của AMD lại khác NVIDIA. Nếu NVIDIA trang bị nhân RT Core riêng biệt để tính toán và đưa vào shader để xử lí tiếp trước khi render ra hình ảnh thì AMD lại chọn cách tích hợp lên từng CU của GPU. Mỗi Ray Accelerator sẽ có thể tính toán 4 ray/điểm giao khối (box intersections) hoặc 1 ray/điểm giao đa giác (triangle intersection).
AORUS – Thương hiệu gaming cao cấp của GIGABYTE dành cho game thủ. Nếu lựa chọn sử dụng những sản phẩm dán mác AORUS nghĩa là bạn đang lựa chọn những sản phẩm có chất lượng hoàn thiện tốt nhất, sử dụng linh kiện tốt nhất, ứng dụng những công nghệ độc quyền tốt nhất và hiển nhiên, thiết kế đẹp nhất (của nhà GIGABYTE). Và GIGABYTE AORUS Radeon RX 6800 XT MASTER cũng không phải là ngoại lệ.
Được thiết kế theo phong cách AORUS mới, ngoại hình của Radeon RX 6800 XT MASTER là sự hòa quyện của ánh sáng và những họa tiết trên bộ khung vỏ nhựa, dĩ nhiên để chiêm ngưỡng 100% vẻ đẹp này bạn phải kích hoạt toàn bộ hệ thống LED RGB được bố trí xung quanh sản phẩm. GIGABYTE gọi đây là Digital Code Era!!!
Chúng ta vẫn tìm thấy được hệ thống quạt của GIGABYTE AORUS RX 6800 XT Master sử dụng là Max-Covered – điểm nhất trong thiết kế tản nhiệt dòng AORUS năm nay. Hệ thống này bao gồm 2 quạt kích thước 115mm và 1 quạt kích thước 100mm được xếp lệch tầng nhằm bao phủ toàn bộ khối tản nhiệt bên dưới, không thể tìm ra được một khu vực “gap” nào cả. Cả 3 quạt đều có thiết kế cánh vuốt gió để tăng áp suất của luồng khí làm mát.
Tương tự những phiên bản MASTER khác, màn hình LCD mà GIGABYTE EDGE VIEW vẫn xuất hiện. Màn hình này ngoài khả năng hiển thị thông tin theo thời gian thực của chiếc card đồ họa như nhiệt độ, mức xung, tốc độ quạt thì hoàn toàn có thể tùy chỉnh theo ý thích của người dùng thông qua phần mềm RGB FUSION 2.0