ASUS TUF Gaming FX505 thuộc dòng sản phẩm TUF (The Ultimate Force) với những chứng nhận về độ bền theo tiêu chuẩn quân đội để giúp cho người dùng có một chiếc máy bền bỉ nhưng vẫn đáp ứng những nhu cầu khắt khe nhất về việc giải trí. Với mức giá 35 triệu đồng cho cấu hình Core i7 8750H cùng card đồ họa Geforce GTX 1060 6GB và 8GB RAM DDR4.
ASUS TUF Gaming FX505 mang ngôn ngữ thiết kế quen thuộc Radiating-X với nhiều góc cạnh và đường cắt mạnh mẽ. Thiết kế này thu hút sự chú ý của người dùng vào trung tâm nơi đặt logo ASUS. Ở cạnh viền dưới, ASUS trang bị các đèn led thông báo tình trạng máy như nguồn, HDD…
ASUS TUF Gaming FX505 sử dụng màn hình tấm nền IPS 15,6 với tần số quét cao 144Hz mang lại trải nghiệm hình ảnh ổn định nhất. So với màn hình 60Hz thông thường, màn hình 144Hz loại bỏ độ trễ rất nhiều trong game. Viền màn hình đã được làm mỏng lại so với các sản phẩm trước đây của ASUS sẽ mang đến trải nghiệm tốt hơn cũng như cảm giác thoải mái hơn khi sử dụng.
Bằng AIDA64, chúng ta sẽ thấy được rằng ASUS dùng tấm nền màn hình của LG nên chất lượng hình ảnh sẽ rất tốt và có độ trung thực cao. Với thiết bị cân màu, kết quả chính xác của FX505 đạt 97% cho hệ màu sRGB nên ngoài việc chơi game, tác vụ chỉnh sửa hình ảnh ở mức căn bản vẫn có thể được hoàn thành tốt trên chiếc laptop này
Một điều khá mới lạ trong thiết kế lần này của TUF Gaming FX505 chính là việc nhà sản xuất mang tất cả cổng kết nối qua cạnh phía tay trái thay vì chia đều ra 2 bên như các sản phẩm khác trên thị trường. Việc này thực chất sẽ mang đến sự thoải mái và gọn gàng hơn khi sử dụng và chúng tôi rất thích thiết kế này của TUF FX 505. Người dùng sẽ có 3 cổng USB, 1 cổng HDMI, 1 cổng âm thanh 3,5”, 1 cổng mạng LAN và đầu cắm nguồn
Và ở cạnh trái sẽ hoàn toàn không có gì ngoài 1 khóa Kesington và hốc gió tản nhiệt mà thôi.
TUF Gaming FX505 không chỉ áp dụng thiết kế đặt quạt kép mà còn đi kèm với hệ thống chống bụi (ADC), giúp tận dụng lực ly tâm để đẩy bụi ra khỏi khung máy thông qua các đường ống chống bụi chuyên dụng nằm ở các cạnh của quạt, đảm bảo tuổi thọ và độ tin cậy của hệ thống.
Ngoài ra, công nghệ HyperCool còn có chế độ OverBoost. Các game thủ có thể sử dụng FN + F5 để chuyển đổi giữa các chế độ quạt khác nhau trong đó Chế độ im lặng phù hợp để duyệt web và xử lý các tác vụ văn phòng, Chế độ cân bằng mặc định giúp hệ thống tự động điều chỉnh tốc độ quạt và Chế độ OverBoost tăng cường tốc độ quạt để khai thác triệt để sức mạnh của hệ thống.
Toàn cảnh bàn phím trên FX505, người dùng sẽ có 1 layout phím hoàn toàn đầy đủ luôn cả bàn phím số lẫn các nút multimedia. Asus đã sử dụng bàn phím lấy cảm hứng từ PC với phím Enter, Backspace được làm dài, cũng như phím Space lớn giúp kiểm soát chính xác hơn.
FX705 được trang bị đèn nền RGB nên người dùng có thể cài đặt hiệu ứng ánh sáng khác nhau thông qua phần mềm TUF Aura Core.
Là một chiếc laptop chơi game nên TUF FX505 có thiết kế đặc biệt dành riêng cho các game thủ FPS với cụm phím ASWD được làm trong suốt rất nổi bật. Trải nghiệm nhanh bàn phím của FX505 chúng tôi có cảm giác lực gõ rất khác biệt, không giống như những bàn phím dành cho laptop bởi hành trình phím 1,8mm. Cảm giác phím sẽ không hẳn như bàn phím cơ nhưng có một chất gì đó rất game thủ.
TUF Gaming FX505 được trang bị CPU i7 thế hệ 8, người dùng có thể trải nghiệm xung nhịp lên đến 3.GHz .cùng bộ nhớ RAM DDR4 tần số cao 2666MHz. Và chúng ta sẽ đi sâu hơn về hiệu năng và phần mềm của thiết bị này với các công cụ benchmark cũng như trải nghiệm thực tế trên một số game phổ biến ở phần dưới đây
Thông số về CPU, card đồ họa cũng như tốc độ SSD được trang bị trên ASUS TUF FX505. Ngoài thông tin về CPU và Card đồ họa thì chắc chắn bạn cũng thấy thấy được rằng tốc độ của SSD mà ASUS trang bị trên chiếc laptop này khá tốt, tốc độ đọc/ghi các tập tin nhỏ (4K) đạt kết quả cao trong số các sản phẩm cùng loại trên thị trường.
Đánh giá sâu hơn về CPU Core i7 8750H bằng công cụ Cinebench R15, ASUS TUF FX505 đạt 1108 điểm
Với 3D Mark bằng 3 bài test từ nhẹ đến năng là Sky Diver, Fire Strike và Time Spy thì kết quả cho thấy rằng FX 505 sẽ hoàn toàn đáp ứng việc chơi các game nhẹ ở mức fps từ 60 cho đến các game thuộc loại nặng dùng DirectX 12 ở mức 30fps. Đây là kết quả khá tốt cho một chiếc laptop chơi game và có thể xem là một mức đầu tư rẻ hơn nhiều chiếc PC có mức cấu hình tương đương
Với Dota 2, một game MOBA nhẹ thì FX505 dễ dàng đạt số fps tối đa ở 120 và ở những pha combat tổng có nhiều hiệu ứng thì giảm còn 90 fps trở lên
Số khung hình thực tế khi chơi PUBG trên FX505 đạt mức từ 60-85 fps và nhiệt độ của card màn hình GTX 1060 ổn định ở mức 80 độ
Với 1 tựa game nặng như Final Fantasy XV, TUF FX505 cho số fps ở mức trung bình 50 fps. Số điểm so sánh của công cụ này cho thấy rằng hiệu năng của FX505 thuộc top đầu
Đánh giá chung
Hiện tại, ASUS TUF Gaming FX505 đang được bán với nhiều cấu hình với mức giá từ 22,5 triệu cho cấu hình căn bản gồm core i5 và GTX1050. Với phiên bản trong bài viết này – phiên bản được trang bị cấu hình cao nhất được bán với mức giá 35 triệu đồng thì chúng tôi thấy rằng đây là một mức giá có thể chấp nhận được bởi hiệu năng và thiết kế mà FX505 mang lại. Hãy nhớ lại rằng ở thời điểm một năm trước, cấu hình tương đương có thể chạm tới mức giá hơn 40 triệu đồng và CPU thời điểm đó chỉ là thế hệ 7 mà thôi.
Nếu bạn là một game thủ thích “di động”, thích có những trải nghiệm cao trên chiếc máy của mình mọi lúc mọi nơi thì hãy đừng ngần ngại mà xem đây là một lựa chọn dành cho bạn nhé.