Ông Martino Cipriani, giảng viên ngành Sản xuất phim kỹ thuật số, Đại học RMIT, chia sẻ về hành trình đáng nhớ với tư cách nghệ sĩ chỉnh màu cho “Hoa nhài”, bộ phim mới nhất của đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh.
Câu chuyện của tôi với bộ phim “Hoa nhài” của đạo diễn Đặng Nhật Minh bắt đầu bên ly cà phê. Bất chấp khác biệt về tuổi tác và văn hóa, chúng tôi tìm thấy sự kết nối không lời thông qua ngôn ngữ chung của điện ảnh. Trò chuyện bằng cả tiếng Anh và tiếng Pháp, đạo diễn Đặng Nhật Minh chia sẻ với tôi về dự án mà ông đang làm – “Hoa nhài”, một câu chuyện chân thực về cuộc sống của những con người đang tìm kiếm hy vọng và ước mơ giữa phố thị Hà Nội ồn ào, náo nhiệt.
Ấn tượng trước tâm huyết của đạo diễn và mạch chuyện sâu sắc, tôi đã đề nghị được tham gia với tư cách một colourist – nghệ sĩ chỉnh màu cho phim. Đây là cơ hội để thổi hồn vào bộ phim với những gam màu đậm chất Hà Nội và thể hiện cuộc sống của những người dân nơi đây.
Martino Cipriani (thứ hai từ phải qua) và đạo diễn Đặng Nhật Minh (giữa)
Tôi bắt tay vào quá trình chỉnh màu với tất cả sự nhiệt thành, sắp xếp studio để vẽ nên một bản giao hưởng sống động đầy màu sắc, phù hợp với câu chuyện tràn ngập cảm xúc của bộ phim.
Hà Nội nổi tiếng với bề dày di sản văn hóa và cảnh sắc sống động. Là người chỉnh màu duy nhất trong dự án này, tôi có được đặc quyền tạo nên sức hấp dẫn về “phần nhìn” cho bộ phim. Nét quyến rũ của thành phố được ghi lại qua những tông màu trầm, gam màu nhạt và độ bão hòa thấp, tạo nên một bức tranh cuốn hút đưa khán giả đắm chìm vào trong đó.
Sự ghi nhận tại nhiều liên hoan phim quốc tế khác nhau đánh dấu cột mốc quan trọng của việc hoàn tất bộ phim. Mặc dù ngân sách sản xuất khiêm tốn, bộ phim vẫn gây tiếng vang lớn trong lòng khán giả và giới phê bình, minh chứng cho sức mạnh của nghệ thuật và cách kể chuyện.
Ngẫm lại hành trình này, tôi tin rằng “Hoa nhài” là ví dụ tiêu biểu cho sức mạnh của sự hợp tác, nơi không có đường biên nào ngăn cản sự sáng tạo. Biểu đạt nghệ thuật trở thành nỗ lực chung của cả tập thể, được dẫn lối bởi mong muốn kết nối với khán giả một cách sâu sắc.
Vượt ra khỏi khuôn khổ bộ phim “Hoa nhài”, tôi thấy đây là cơ hội để các nhà làm phim Việt Nam khám phá sự phong phú của câu chuyện kể về những lát cắt của cuộc sống thường nhật. Điện ảnh đang dần chuyển mình, phim ở khu vực Đông Nam Á đang nhận được sự quan tâm ngày càng tăng cả ở trong nước và trên trường quốc tế. Phong cách hiện thực vẫn còn đất cho các nhà làm phim đi sâu khám phá và tạo ra những câu chuyện chân thực, lôi cuốn, nêu bật được bản sắc Việt.
Martino Cipriani trong studio cá nhân
Là một nghệ sĩ, niềm đam mê của tôi đến từ việc tương tác với cộng đồng và xã hội thông qua ngôn ngữ điện ảnh. Sáng tạo không đơn thuần là hành động khẳng định bản thân mà đó còn là cách để giao tiếp với khán giả trên quy mô lớn hơn, đại diện cho văn hóa, giá trị và bản sắc của một quốc gia.
Đối với ngành điện ảnh Việt Nam, tôi cho rằng sự thống trị của phim Hollywood và Hàn Quốc ở các rạp chiếu phim phản ánh sự tiếp cận tối ưu lợi nhuận của các nhà phân phối. Việc không thiết lập hạn ngạch phim ảnh tại Việt Nam dẫn đến việc các rạp chỉ chọn chiếu những phim phục vụ đông đảo khán giả, thường là các tác phẩm nước ngoài.
Để giải quyết vấn đề này, áp dụng hạn ngạch phim ảnh và hỗ trợ nhà làm phim trong nước sẽ góp phần khuyến khích sáng tạo và sản xuất nội dung nguyên bản. Điện ảnh Việt Nam có lịch sử phong phú với những bộ phim có tầm ảnh hưởng từ quá khứ, thể hiện khả năng nghệ thuật của các nghệ sĩ trong nước, và việc nuôi dưỡng tiềm năng này là điều hết sức cần thiết.
Hành trình với “Hoa nhài” của đạo diễn Đặng Nhật Minh đã củng cố niềm tin của tôi vào sức mạnh điện ảnh như một loại hình nghệ thuật quy tụ sức mạnh tập thể. Thông qua hợp tác, đam mê và cam kết thể hiện chân thực, chúng ta có thể tạo ra những tác phẩm nghệ thuật vượt khỏi ranh giới địa lý và gợi cảm hứng cho khán giả trên toàn cầu.
Martino Cipriani, giảng viên ngành Sản xuất phim kỹ thuật số, Khoa Truyền thông và Thiết kế, Đại học RMIT Việt Nam
“Những bộ phim hay nhất thường dựa trên giá trị nhân văn” Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt của phim Hollywood và phim từ các nước châu Á khác, làm thế nào để đạo diễn Việt giữ gìn giá trị dân tộc? Đối với tôi, những bộ phim hay nhất không đến từ góc độ dân tộc mà dựa trên giá trị nhân văn. Các tác phẩm có thể tự do khám phá giá trị và mối quan hệ nhân văn mà tất cả chúng ta cùng chia sẻ có xu hướng tiếp cận được đông đảo khán giả và đồng điệu với họ nhiều hơn, bất kể bộ phim đến từ đâu. Nhiều quốc gia châu Á đang thực hiện điều đó bằng cách khám phá góc độ “con người” đặc trưng trong môi trường sống của riêng họ. Họ đã thành công trong việc tạo ra những bộ phim vừa gần gũi với khán giả địa phương, vừa tiếp cận được với đối tượng người xem lớn hơn trên trường quốc tế. Làm thế nào để các nhà quản lý và làm phim có thể hợp tác củng cố ngành điện ảnh Việt Nam và cạnh tranh với các nền điện ảnh phát triển trong khu vực? Điều tôi nhận thấy từ các nhà sản xuất và phân phối phim Việt Nam là các nguyên tắc hướng dẫn kiểm duyệt không rõ ràng đang cản trở quá trình phát triển và sản xuất phim. Ngoài ra, cách tiếp cận phù hợp với các mô hình quốc tế sẽ hỗ trợ thu hút sự tham gia đa dạng hơn vào quá trình phát triển câu chuyện. Theo tôi được biết, các nhà phân phối và sản xuất phim Việt Nam đang vận động hành lang cho việc này và hy vọng sắp tới sẽ có những tiến triển mới. Tiến sĩ Nick Cope, Chủ nhiệm ngành Sản xuất phim kỹ thuật số, Khoa Truyền thông và Thiết kế, Đại học RMIT Việt Nam
|