Tập đoàn Xiaomi vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất đã được kiểm toán cho năm 2019, kết thúc vào ngày 31/12/2019.
Năm 2019, Xiaomi đạt được sự tăng trưởng vững chắc trên tất cả các phân khúc kinh doanh. Tổng doanh thu của tập đoàn lần đầu tiên vượt ngưỡng 200 tỷ RMB, đạt 205,8 tỷ RMB, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước, tăng trưởng CAGR qua 9 năm là 112%. Lợi nhuận ròng lên đến 11,5 tỷ RMB, tăng 34,8% so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý IV/2019, tổng doanh thu của Xiaomi tăng 27,1% lên 56,5 tỷ RMB. Lợi nhuận ròng đạt 2,3 tỷ RMB, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm trước.
Điểm nổi bật về tài chính 2019:
- Tổng doanh thu xấp xỉ 205,84 tỷ RMB, tăng 17,7% so với năm trước, đánh bại dự báo của giới phân tích
- Lợi nhuận gộp xấp xỉ 28,55 tỷ RM, tăng 28,7% so với năm trước
- Lợi nhuận ròng ngoài IFRS là 11,53 tỷ RMB, tăng 34,8% so với năm trước, đánh bại dự báo của giới phân tích
- Thu nhập trên mỗi cổ phiếu là 0,0423 RMB
- Tổng tài nguyên tiền mặt là 66 tỷ RMB.
Điểm nổi bật về tài chính quý IV/2019:
- Tổng doanh thu đạt mức cao nhất trong lịch sử, cũng là quý hoạt động tốt nhất trong năm, với xấp xỉ 56,47 tỷ RMB, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm trước
- Lợi nhuận gộp đạt xấp xỉ 7,84 tỷ RMB, tăng 38,5% so với cùng kỳ năm trước
- Lợi nhuận ròng đã điều chỉnh không theo chuẩn kiểm toán IFRS là 2,34 tỷ RMB, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2019, doanh thu phân khúc điện thoại thông minh đạt 122,1 tỷ RMB, tăng 7,3% so với năm trước. Tính riêng quý IV/2019, con số này là 30,8 tỷ RMB, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước. Cả năm 2019, tập đoàn đã xuất xưởng 124,6 triệu chiếc điện thoại thông minh, trong khi các lô hàng quý IV xấp xỉ 32,6 triệu chiếc, tăng 30,5% so với năm trước. Theo Canalys, quý IV/2019, tập đoàn đã đạt được mức tăng trưởng lô hàng điện thoại thông minh cao nhất trong số 5 công ty điện thoại thông minh hàng đầu thế giới.
Kể từ tháng 1/2019, Xiaomi và Redmi được tách thành hai thương hiệu hoạt động độc lập và chiến lược điện thoại thông minh thương hiệu kép đã có những bước phát triển vững chắc trong năm qua.
Thương hiệu Redmi tiếp tục theo đuổi tỷ lệ hiệu suất giá cả – hiệu năng, đa dạng các mức giá khác nhau để người dùng đại chúng dễ dàng tiếp cận công nghệ tiên tiến. Theo Canalys, Redmi Note 7 là mẫu smartphone “Made by China” bán chạy nhất toàn cầu năm 2019. Tháng 12/2019, Redmi K30 5G, chiếc điện thoại thông minh 5G đầu tiên ra mắt với giá khởi điểm từ 1.999 RMB, trở thành smartphone 5G đầu tiên có giá dưới 2.000 RMB vừa túi tiền đông đảo người dùng trên thế giới.
Trong khi đó, thương hiệu Xiaomi tập trung vào các công nghệ tiên tiến và gây dựng thành công vị thế vững chắc trong phân khúc điện thoại thông minh cao cấp. Xiaomi đã ra mắt các mẫu điện thoại thông minh 5G hàng đầu là Mi 10 và Mi 10 Pro vào tháng 2/2020. Mi 10 Pro gây ấn tượng lớn khi nhận được điểm số cao nhất từ DxOMark về hiệu suất tổng thể của camera, video và nhiếp ảnh.
Năm 2019, giá bán trung bình (ASP) điện thoại thông minh của tập đoàn đã tăng 2,2% so với năm trước, tỷ suất lợi nhuận gộp của phân khúc điện thoại thông minh tăng từ 6,2% năm 2018 lên 7,2%. Năm 2020, Xiaomi sẽ tiếp tục tập trung vào phát triển smartphone 5G và tăng cường sự hiện diện của 5G trong phân khúc điện thoại thông minh cao cấp, nhằm gia tăng giá bán trung bình.
Mảnh kinh doanh IoT phát triển mạnh mẽ
2019 là năm đầu tiên Xiaomi thực hiện chiến lược kép “Smartphone + AIoT”. Năm 2019, doanh thu của tập đoàn trong lĩnh vực sản phẩm IoT và phong cách sống đạt 62,1 tỷ RMB, tăng 41,7% so với năm trước và chiếm 30% tổng doanh thu (con số này là 25% trong năm 2018). Riêng trong quý IV/2019, doanh thu đạt 19,5 tỷ RMB, tăng 30,5% so với năm trước.
Năm 2019, lô hàng Smart TV Xiaomi tại Trung Quốc đã vượt 10 triệu đơn vị, đây là kết quả chưa từng có trong ngành công nghiệp TV Trung Quốc. Các lô hàng TV toàn cầu đạt 12,8 triệu đơn vị, tăng 51,9% so với năm trước. Theo AVC, các lô hàng TV Xiaomi đứng đầu ở Trung Quốc và xếp thứ năm toàn cầu trong năm 2019. Xiaomi cũng đứng đầu ở Ấn Độ về đơn hàng TV thông minh trong 7 quý liên tiếp tính đến quý IV/2019, theo IDC.
Là một trong những nền tảng IoT tiêu dùng hàng đầu thế giới, Xiaomi đang tiếp tục mở rộng số lượng người dùng IoT của mình. Tính đến ngày 31/12/2019, số lượng thiết bị IoT được kết nối (không bao gồm điện thoại thông minh và máy tính xách tay) trên nền tảng IoT của Xiaomi đã lên đến 234,8 triệu đơn vị, tăng 55,6% so với năm trước. Trợ lý Xiaomi Ai ở Trung Quốc đã có hơn 60,4 triệu người dùng hàng tháng (MAU) vào tháng 12/2019, tăng 55,7% so với năm trước. Tháng 12/2019, MAU của MIUI tăng 27,9% so với năm trước, đạt 309,6 triệu người.
Theo Canalys, Xiaomi là thương hiệu thiết bị đeo thông minh lớn nhất thế giới (bao gồm đồng hồ thông minh và dây đeo cổ tay) năm 2019, tính theo các lô hàng. Bên cạnh đó, các sản phẩm IoT của Xiaomi đã giành được hơn 50 giải thưởng thiết kế nổi tiếng trên thế giới.
Gần 50% tổng doanh thu từ thị trường quốc tế
Năm 2019, doanh thu của Xiaomi tại thị trường quốc tế đạt 91,2 tỷ RMB, tăng 30,4%. Trong quý IV/2019, doanh thu ở nước ngoài tăng 40,7% so với năm trước, đạt 26,4 tỷ RMB, chiếm 46,8% tổng doanh thu. Hiện, các sản phẩm của Xiaomi đã có mặt tại hơn 90 quốc gia và khu vực trên thế giới. Theo Canalys, số lượng smartphone xuất xưởng của Xiaomi xếp thứ 5 tại 45 quốc gia và khu vực trong năm 2019.
Trong quý IV/2019, Xiaomi là thương hiệu điện thoại thông minh lớn nhất ở Ấn Độ, chiếm 28,7% thị phần sau 10 quý liên tiếp, theo IDC.
Tại Tây Âu, Xiaomi tiếp tục mở rộng thị phần. Dữ liệu Canalys cho thấy, lô hàng điện thoại thông minh nhập khẩu quý IV/2019 tại khu vực tăng 115,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng máy xuất xưởng của hãng tại Tây Ban Nha, Pháp và Ý tăng lần lượt 65,7%, 69,9% và 206,2%.
Năm 2019, doanh thu IoT ở nước ngoài của Xiaomi tăng vọt nhờ doanh số mạnh mẽ của các sản phẩm IoT bán chạy nhất ở thị trường nước ngoài, bao gồm Smart TV, đồng hồ đeo tay, tai nghe TWS và xe máy điện.
Dịch vụ Internet đa dạng góp thêm vào doanh thu Xiaomi
Năm 2019, doanh thu của Xiaomi từ dịch vụ Internet đạt 19,8 tỷ RMB, tăng 24,4% so với năm trước. Trong quý IV, doanh thu là 5,7 tỷ RMB, tăng 41,1% so với năm trước. Vào tháng 12/2019, số người dùng hoạt động hàng tháng trên toàn cầu (MAU) của hệ điều hành MIUI đã tăng 27,9% so với năm trước, cán mốc 309,6 triệu người. Trong đó, Trung Quốc có 109 triệu người dùng hệ điều hành MIUI mỗi tháng.
Xiaomi tiếp tục đạt được những bước tiến đáng kể trong việc đa dạng hóa nguồn doanh thu cho dịch vụ Internet. Trong quý IV/2019, doanh thu dịch vụ Internet của Xiaomi (bao gồm doanh thu từ dịch vụ Internet IoT trên TV, dịch vụ Internet ở nước ngoài, nền tảng thương mại điện tử Youpin và mảng kinh doanh công nghệ tài chính) tăng 112,6% so với năm trước và chiếm 43% tổng doanh thu dịch vụ Internet. Còn doanh thu mảng quảng cáo và doanh thu chơi game trên smartphone tại Trung Quốc, lần lượt là 3 tỷ RMB và 874,4 triệu RMB, tăng 17,8% và 44,4% so với năm trước.
Tác động của dịch COVID-19 bùng phát
Đầu năm 2020, dịch COVID-19 lan rộng khắp thế giới, Xiaomi đã phải trải qua quãng thời gian gián đoạn sản xuất tạm thời từ tháng 2 đến tháng 3/2020, song lực lượng lao động sản xuất đã kịp thời phục hồi tới 80-90% ngay sau đó.
Tại thị trường Trung Quốc, doanh số ngoại tuyến của Xiaomi chịu ảnh hưởng trong cao điểm dịch,, do hầu hết các cửa hàng Mi Store phải đóng cửa hoặc hoạt động giới hạn khung giờ khiến lượng khách ra vào thấp hơn đáng kể. Song nhờ lợi thế lớn từ các kênh phân phối trực tuyến, Xiaomi chịu ảnh hưởng tương đối ít.
Đối với thị trường nước ngoài, với thị phần toàn cầu mạnh mẽ và liên tục mở rộng sang các thị trường khác, Xiaomi vẫn rất lạc quan về tiềm năng phát triển lâu dài trên thị trường quốc tế.
Đáng chú ý, lưu lượng người dùng các dịch vụ Internet của Xiaomi như xem phim và trò chơi trực tuyến, đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng ấn tượng và bền vững khi hầu hết mọi người ở nhà tránh dịch.
Chiến lược đầu tư và phát triển
Tính đến ngày 31/12/2019, Xiaomi đã đầu tư vào hơn 290 công ty với giá trị sổ sách tổng hợp khoảng 30 tỷ RMB. Vào tháng 2/2020, Roborock, một trong những công ty được Xiaomi đầu tư, đã niêm yết thành công trên Hội đồng Đổi mới Khoa học và Công nghệ của Sở Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải (STAR) ở Trung Quốc, trở thành công ty đầu tư hệ sinh thái đầu tiên niêm yết lên sàn STAR. Bằng cách mở rộng hệ sinh thái, Xiaomi sẽ đẩy mạnh việc triển khai các sản phẩm và dịch vụ bổ sung mới, cho phép tập đoàn phát triển tập người dùng không chỉ ở Trung Quốc mà còn trên toàn cầu.