Ngày 15 tháng 3 năm 2019, nghi phạm Brenton Tarrant lái xe đến thánh đường Hồi giáo Al Noor. Trên xe chở đầy súng đạn, hắn bật camera hành động, lấy súng và bước vào trong. Theo diễn biến trong video quay lại từ camera hành động, Tarrant được mô tả là “bắn tất cả mọi người mà hắn thấy”.
Vụ khủng bố gây chấn động thế giới nhưng ở Việt Nam, nó lại là cơ hội tốt cho người ta lên án game, vì một lý do gì đó.
Công nghệ hỗ trợ khủng bố
Câu chuyện khủng bố kinh hoàng đủ khiến cả thế giới chấn động. Kinh hoàng hơn cả chuỗi khủng bố ở Pháp năm 2015 hay ở Thổ Nhĩ Kỳ 2016, hay tất cả những vụ khủng bố đang diễn ra hằng ngày ở Afghanistan, Syria, Iraq và những nơi bất ổn khác trên thế giới vì nó được hỗ trợ bằng công nghệ.
Sau nhiều lần thế giới được nghe cảnh báo về rủi ro mạng xã hội có thể hỗ trợ khủng bố bằng cách này hay cách khác người ta đã chứng kiến khủng bố biến một nền tảng live stream thành kênh truyền hình, nơi trưng ra tội ác của mình và gieo rắc nỗi sợ hãi cho quần chúng.
Trong tất cả những vụ khủng bố gây sốc nhất, công chúng đón nhận hình ảnh, tin tức qua truyền thông được kiểm duyệt và ở mức độ nào đó, chúng ta luôn có một vùng an toàn – nơi chúng ta cảm nhận những kẻ khủng bố vẫn đâu đó ngoài kia. Nhưng lần này, người ta hoàn toàn có thể tìm kiếm hay thậm chí xem trực tiếp những đoạn phim giết người và cảm nhận rõ ràng an ninh của mình đang bị đe dọa nghiêm trọng. Sự sợ hãi được giao tới tận nhà nhờ sự phát triển của công nghệ.
Kẻ bị tình nghi đã bị bắt và ra tòa nghe cáo buộc ngay sau đó, nhưng 50 người đã thiệt mạng.
Liên tưởng về game
Ngày 16, một ngày sau vụ xả súng, một giải đấu PUBG ở Việt Nam bị hoãn vì lý do thủ tục. Như một thói quen, nhiều người ở Việt Nam đã ví von vụ xả súng ở New Zealand như là sản phẩm từ những trò game bắn súng bạo lực.
Không phải chỉ ở Việt Nam, khắp nơi trên thế giới luôn đặt game bạo lực vào danh mục những nguy cơ phát triển tội phạm bạo lực. Tuy nhiên một nghiên cứu của Hiệp hội Tâm lý Mỹ (APA) đã chỉ ra rằng có mối liên hệ giữa chơi game bạo lực và thay đổi hành vi theo hướng căng thẳng hơn nhưng không đủ bằng chứng đế kết luận game bạo lực là tiền đề của tội phạm.
Có một status so sánh những chi tiết trong video xả súng với những gì mà người ta thấy trong game. Mục đích là quá rõ ràng: tấn công và cáo buộc game như là nguyên ủy của thảm họa.
Trong vấn đề này, dù chưa có kết luận chắc chắn nhưng chúng ta cũng có thể hiểu rằng game có kích thích sự căng thẳng, lạm dụng game có thể gây nghiện và khiến chúng ta có xu hướng gây hấn trong những tình huống ngoài đời sống hơn. Tuy nhiên, nói game là con đường dẫn đến tội phạm, trong trường hợp này lại là quá vội vàng và ngây ngô.
Phía sau thảm kịch
Nếu theo dõi vụ việc một chút, có thể thấy đối tượng mà kẻ khủng bố ở Christchurch hướng vào là người Hồi giáo và những đối tượng của những kẻ xả súng ở Charlie Hebdo năm 2015 là những người làm việc cho tòa soạn này. Hay thậm chí là những tay súng IS, Taliban, al-Qaeda… dù tàn nhẫn và giết bao nhiêu người thì chúng luôn có một nhóm đối tượng mục tiêu nào đó. Tư tưởng của những kẻ khủng bố giúp bọn chúng tìm ra đối tượng của mình.
Những người theo thuyết Da trắng thượng đẳng cực đoan sẽ tấn công những người da màu, dân nhập cư để bảo vệ không gian sống và nòi giống của mình. Những kẻ Hồi giáo cực đoan sẽ tấn công những người không chia sẻ niềm tin tôn giáo với chúng. Những ai kỳ thị LGBT cực đoan sẽ tấn công những người đồng tính… Khi nói như vậy, chúng ta tin rằng tội ác có tính chủ thể. Nghĩa là kẻ khủng bố/tội phạm có toàn quyền lựa chọn khi hành động và chúng đã thực hiện hành vi vì niềm tin của mình.
Khi chúng ta cho rằng game hay các tác động bên ngoài khác đã dẫn đến tội phạm, thật trớ trêu, chúng ta lại như gỡ tội cho bọn khủng bố. Thật nực cười khi ta ám chỉ rằng nếu không có game, có lẽ tay súng ở Christchurch đã không nổ súng như vậy. Thật xúc phạm đến các nạn nhân trong vụ việc và thân nhân của họ khi ta cố tình đánh lận con đen, quy trách nhiệm cho một thứ văn hóa phẩm nào đó trong khi bỏ qua nguyên nhân thật sự nằm ở tư tưởng cực đoan của nghi phạm.
Phía sau thảm kịch ở New Zealand là một thế giới đang ngày càng chia rẽ sâu sắc, nơi ươm mầm cho những phong trào hội nhóm cực hữu lên ngôi chứ không phải là chỉ là game. Cũng giống như phía sau dòng status so sánh vụ khủng bố có gắn camera hành động với game là một mục đích khác chứ không phải để tiếc thương cho các nạn nhân.
Trong trường hợp này, sử dụng bi kịch của người khác để thực hiện cho bằng được mục đích của mình cũng thể hiện một ý thức lệch chuẩn nào đó.