ASUS ROG STRIX Z590-I GAMING WIFI quả thật là một tay lực sĩ về tính năng lẫn mức giá khoàng 11 triệu đồng, nhưng thân hình lại nhỏ bé hạt tiêu.
Nếu nói ASUS đang tạo ra những bo mạch chủ kích thước ITX dành cho dân chơi nhỏ gọn thuộc hàng tốt nhất thì không hề nói quá một chút nào. Tiếp nối truyền thống tốt đẹp đó thì họ cũng đã đem đến cho người dùng bo mạch chủ ROG STRIX Z590-I GAMING WIFI thuộc loại tốt hàng đầu trong những bo mạch chủ kích thước ITX trang bị chipset Intel Z590.
Một bo mạch chủ cần tốt ở những điểm gì? Ngoài việc thiết kế phải đẹp, phải ngầu, phải đầy phong cách công nghệ mà những điểm này là đã quá dư thừa trên sản phẩm bo mạch chủ ROG của ASUS mà cụ thể là trên ROG Z590-I GAMING WIFI thì đó chính là VRM. Hệ thống VRM tốt thì mới tải được vi xử lí khỏe, giữ cho vi xử lí hoạt động ổn định trong thời gian dài. Đối với bo mạch chủ kích thước ITX thì ai cũng biết rồi đấy, trang bị hệ thống VRM vài chục phase là điều bất khả thi vì kích thước quá nhỏ của chúng nên nhà sản xuất phải tìm cách nâng cao chất lượng VRM.
Hệ thống VRM 8+2 phase được điều khiển bằng controller ASP1405I với mỗi phase là power stage TDA21472 trị số 70A dư sức tải được những vi xử lí khỏe nhất của thế hệ socket LGA 1200. Nếu so với tiền nhiệm ROG Z490-I GAMING WIFI thì VRM của bo mạch chủ này gần như là tương đương, hơi đáng tiếc là ASUS không nâng cấp power stage thành loại TDA21490 có trị số 90A để giảm tải trên từng phase.
Nhiệm vụ tản nhiệt cho VRM vẫn do 2 khối nhôm lớn sơn đen kết nối với nhau bằng heat pipe dẫn nhiện đảm trách, riêng khối nằm gần khu vực IO vẫn được trợ lực nhờ một quạt làm mát chủ động.
Vẫn là cách thiết kế xây nhà cao tầng cho khu vực ổ lưu trữ M.2 để có thể chứa được 2 ổ nằm cùng về một phía nhằm tăng hiệu quả tản nhiệt, giờ đây cả 2 khe M.2 đều được nâng cấp thành giao thức PCI-Express 4.0 tốc độ nhanh nhất, thứ không còn là hàng độc quyền của gia đình AMD.
Nằm ngay phía bên dưới là khe PCI-Express 4.0 tốc độ 16X vẫn được bọc thép như truyền thống. Nếu coi bo mạch chủ ROG Z590-I GAMING WIFI là một khu đất trung tâm đắt giá thì khu vực nơi đặt khe cắm M.2 này là khu đắt giá của đắt giá bởi vì nó chứa quá nhiều linh kiện, từ khe M.2 đến hệ thống tụ âm thanh, điều khiển IO và cả một hệ thống tản nhiệt đồ sộ với đèn LED RGB
Nhân tiện nhắc đến vấn đề kết nối thì ngoài cổng Thunderbolt 4 hàng xịn nằm ở mặt sau, ASUS còn tự hào nói rằng bo mạch chủ tí hon của họ là một trong những thiết bị đầu tiên trên thế giới hỗ trợ chuẩn WIFI 6E, điều này làm được nhờ phần cứng là card wifi chuẩn WIFI 6E với chip xử lí Intel AX210 tích hợp sẵn bên trong bo mạch chủ.
Wi-Fi 6E được xem như là một phần mở rộng của Wi-Fi 6, vì vậy thế hệ Wi-Fi 6E vẫn thừa hưởng tất cả đặc điểm, tính năng của Wi-Fi 6. Điểm khác biệt lớn nhất giữa chúng là hoạt động trên các tần số khác nhau. Nếu Wi-Fi 6 hoạt động trên hai tần số là 2.4 GHz và 5 GHz, thì Wi-Fi 6E chỉ được hoạt động trên một tần số duy nhất là 6 GHz.
Wi-Fi 6E tăng dung lượng bằng cách được bổ sung thêm 14 kênh 80 MHz và 7 kênh 160 MHz, đồng thời tận dụng các tính năng của Wi-Fi 6 hiện có như:
8×8 đường lên/đường xuống MU-MIMO, OFDMA và BSS Color để cung cấp khả năng xử lý nhiều thiết bị hơn gấp bốn lần.
TWT để cải thiện hiệu quả mạng và tuổi thọ pin của thiết bị, bao gồm cả thời lượng pin của các thiết bị IoT.
Chế độ điều chế biên độ vuông góc 1024 (1024-QAM) để tăng thông lượng cho các hoạt động sử dụng nhiều băng thông bằng cách truyền nhiều dữ liệu hơn trong cùng một lượng phổ.